Tổng giám đốc điều hành WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: AFP
Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 12 của WTO bị ám ảnh bởi không ít điềm bất lành. Lẽ ra, nó đã phải được diễn ra từ hồi tháng 6.2020 ở Kazakhstan nhưng rồi bị hoãn do dịch bệnh. Tháng 4.2021, các thành viên WTO nhất trí với nhau tổ chức hội nghị này ở Geneva (Thuỵ Sĩ) từ 30.11 đến 3.12.2021. Làn sóng dịch bệnh mới bùng phát trên thế giới khiến cho WTO phải trì hoãn vô thời hạn sự kiện này. Quyết định trì hoãn này được đưa ra chỉ 4 ngày trước ngày dự kiến tổ chức hội nghị.
Ngày 24.4 năm nay, Tổng Giám đốc điều hành WTO - bà Ngozi Okonjo-Iweala, Chủ tịch hội nghị - ông Timur Suleimenov - và Chủ tịch Đại hội đồng WTO - ông Didier Chambovey - đưa ra thông báo cho biết, hội nghị lần thứ 12 của bộ trưởng các nước thành viên WTO được tổ chức ở Geneva từ ngày 12 đến 15.6.2022. Phải sau gần 5 năm (từ 12.2017), WTO mới lại có hội nghị như vậy.
Thời gian gần 5 năm qua cũng là thời gian WTO bị thách thức ghê gớm nhất trong lịch sử tồn tại từ 27 năm nay. Những biến động dữ dội trên thế giới về chính trị, chính trị an ninh và kinh tế, thương mại đặt ra cho WTO nhiều vấn đề mới mà WTO đến nay vẫn chưa giải quyết nổi. Mỹ và Trung Quốc là hai thành viên có ảnh hưởng lớn trong WTO nhưng cuộc xung khắc thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc gay cấn và phức tạp đến mức vượt quá khả năng giải quyết của WTO. Tổng thống Mỹ Donald Trump không coi trọng WTO và nhiều lần lộ ý định rút nước Mỹ ra khỏi WTO. Phía Mỹ cản trở WTO bầu tổng giám đốc điều hành mới và thành viên của toà án trọng tài, khiến cho WTO không thể hoạt động hiệu quả và bình thường. Những lý do khách quan khác tác động tiêu cực góp phần khiến cho WTO gần như bị tê liệt trong thời gian qua. Việc hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 12 của WTO bị trì hoãn như thế phản ánh thực trạng không mấy tốt lành của WTO.
Quyết định của ban lãnh đạo WTO tổ chức sự kiện này ở Geneva cho thấy quyết tâm khôi phục vai trò, ảnh hưởng và vị thế của WTO đối với thương mại và kinh tế thế giới. WTO phải nỗ lực và tự thân vận động mạnh mẽ hơn và chủ động hơn bởi toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại đều gặp phải khó khăn và cản trở mới.
Ở hội nghị lần này, không ai kỳ vọng là WTO sẽ có được giải pháp cho tất cả mọi vấn đề cũ cũng như mới đòi hỏi WTO phải giải quyết, nhưng ít nhất thì cũng vẫn là dịp để WTO thể hiện là vẫn tồn tại và hoạt động thực sự chứ không chỉ còn là cái bóng, vẫn có ý tưởng giải pháp chứ không phải bế tắc giải pháp, vẫn đủ khả năng để đảm trách vai trò quyết định nhất trong chuyện tự do hoá thương mại ở thời đại toàn cầu hoá.
Trên chương trình nghị sự của hội nghị này, những chủ đề nội dung trọng tâm là (1) biện pháp đối phó dịch bệnh nhằm khắc phục tình trạng không đồng đều trong tiếp cận vaccine phòng ngừa dịch bệnh giữa các nơi trên thế giới và cung cấp bản quyền chế tạo vaccine, (2) xoá bỏ những hình thức trợ cấp của nhà nước cho nghề đánh cá để ngăn chặn tình trạng đánh cá quá mức khiến nguồn cá không kịp phục hồi - WTO chưa giải quyết được vấn đề này từ 20 năm nay, (3) an ninh lương thực trong bối cảnh có thể bùng phát khủng hoảng lương thực và nạn đói trên thế giới, bị tác động tiêu cực bởi chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina, (4) xem xét lại quy định về đánh thuế quan đối với nhập khẩu vốn được áp dụng từ năm 1998, (5) chống biến đổi khí hậu trái đất nhằm góp phần đạt được những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đã đề ra và (6) cải tổ WTO, đặc biệt cải tổ toà án trọng tài của WTO.
Nếu có được sự đồng thuận sâu rộng giữa các thành viên WTO về giải pháp cho tất cả những nội dung trên thì WTO sẽ gây dựng lại được vai trò, vị thế và ảnh hưởng mà nó đã từng có được. Nhưng kết quả này hiện rất xa vời đối với WTO. Hội nghị sẽ đưa lại kết quả nhất định nào đấy bởi các thành viên đều muốn WTO mạnh hơn và có vai trò quan trọng hơn. Kết quả ít hay nhiều của hội nghị vì thế đều rất quan trọng đối với tương lai của WTO.
Gửi phản hồi
In bài viết