Kiến Thiết nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn

- Xã Kiến Thiết (Yên Sơn) trước đây từng là một trong những địa bàn nổi cộm về tình trạng tảo hôn, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, năm 2022 vừa qua, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã bước đầu đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Kiến Thiết là xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, cách trung tâm huyện 55 km. Xã có 17 thôn, 1.445 hộ, 6.592 nhân khẩu và 12 dân tộc. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 81%, trong đó, người Mông chiếm số lượng đông nhất với 444 hộ... Một trong những rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã là tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào Mông luôn cao, bà con thường dựng vợ, gả chồng cho con từ sớm. Người trẻ tảo hôn, khiến trình độ lao động chỉ dừng lại ở mức phổ thông, kéo theo những hệ lụy như: thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, chưa biết tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con, chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm lý làm vợ, làm mẹ... ảnh hưởng lớn đến thể chất, sức khỏe tinh thần của người mẹ và sự phát triển của trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, tỷ lệ người Mông tham gia công tác xã hội còn thấp. Do địa bàn rộng, một số hộ dân ít tham dự các cuộc họp thôn nên việc nắm bắt thông tin và chấp hành pháp luật chưa cao…

Theo số liệu thống kê, trong 2 năm 2014-2015, xã Kiến Thiết có 19 cặp tảo hôn trên tổng số 111 cặp đến đăng ký kết hôn tại xã. Đến năm 2022, con số tảo hôn trên địa bàn xã chỉ còn 5 cặp, giảm 14 cặp so với giai đoạn năm 2014-2015.

Các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho học sinh trường
PTDT bán trú THCS Kiến Thiết (Yên Sơn).

Để làm được điều đó, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Kiến Thiết đã kiên trì chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, phổ biến kiến thức dân số kế hoạch hóa gia đình... tại các cuộc họp thôn, bản, hội nghị của các đoàn thể, trong các trường học, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng....

Đoàn thanh niên xã là lực lượng tiên phong, nòng cốt đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động những người trẻ giảm tình trạng tảo hôn. Chị Hồ Thị Hiền, Bí thư Đoàn xã Kiến Thiết cho biết: Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên trong xã, Đoàn xã cũng thường xuyên đến các gia đình trẻ để nắm tình hình, hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, cung cấp thông tin lao động việc làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi trồng trọt... 

Để có được những kết quả nói trên, còn phải kể đến sự nỗ lực vào cuộc tích cực của lãnh đạo các thôn, bản trên địa bàn xã. Ông Hà Ngọc Ảnh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết cho biết, cách làm của thôn là luôn sâu sát nắm bắt việc phát sinh tình cảm nam nữ của các cháu thanh thiếu niên trong thôn để có biện pháp vận động, can thiệp kịp thời. Trong tuyên truyền thì nói, giải thích cho đồng bào phải luôn ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu... Tổ thường xuyên đăng tải nội dung cung cấp thông tin kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, tác hại, hậu quả của việc tảo hôn vào nhóm Zalo của thôn để người dân dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin tại gia đình. Đồng thời đưa nội dung này vào quy ước của thôn, kết hợp các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong thôn có chuyển biến rõ rệt. Hàng năm, thôn Đồng Phạ không có nạn tảo hôn và vợ chồng sinh con thứ 3.

Thôn Làng Un, xã Kiến Thiết hiện có 2 cặp tảo hôn người Mông, em G (sinh năm 2005) cho biết: Mình lấy vợ năm 17 tuổi, vợ kém mình 1 tuổi. Lúc lấy nhau, thấy thích, thấy hợp thì lấy thôi, giờ có con rồi mới thấy nuôi con, chăm sóc con không dễ. Để đảm bảo cuộc sống, giờ mình đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con, ai thuê gì làm nấy... Gia đình em V cũng là người Mông tảo hôn ở thôn Làng Un, hỏi gì, em cũng im lặng. Được biết, gia đình em V sinh con cách nhau năm một, vợ chồng chỉ ở nhà làm nương và đều là những hộ nghèo của thôn.

Cũng là thanh niên Mông, nhưng anh Vàng Quang Vu, thôn Làng Un và anh Thào Seo Dêu, thôn Lũng Quân (đều sinh năm 1992), lại chọn con đường học hành đến nơi, đến chốn,  để cuộc sống có nhiều lựa chọn tốt hơn. Anh Vàng Quang Vu được học tập, công tác, rèn luyện tại Trường Sỹ quan Lục quân I và Sư đoàn 316 trong 7 năm. Vinh dự hơn, anh đã được kết nạp Đảng trong môi trường Quân đội khi tuổi đời còn rất trẻ. Hiện nay, anh Vàng Quang Vu đã trở về phục vụ quê hương trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Kiến Thiết. Hiện mái ấm của anh đã rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ khi anh chị có một bé trai, một bé gái xinh xắn... Còn Thào Seo Dêu, không an phận làm nương, làm thuê như các bạn cùng trang lứa, anh đã năng động vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình. Anh đã cùng vợ thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hàng nông sản, đặc sản đia phương tại Hà Nội, rồi chạy xe hợp đồng du lịch... mang lại thu nhập ổn định từ 12-16 triệu/tháng...

Theo đồng chí Lục Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, thời gian tới để giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn, tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động về hậu quả, tác hại của tảo hôn. Nâng cao nhận thức pháp luật giúp thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời, thường xuyên phát huy vai trò của những người có uy tín, MTTQ, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Nội dung này được đưa vào quy ước thôn bản, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm... góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục