Lưu truyền tục cúng Táo quân

TQĐT - Theo tín ngưỡng dân gian, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc lại thực hiện lễ cúng Táo quân (hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo) để báo cáo kết quả một năm của gia chủ. Để có một lễ cúng đầy đủ, trọn vẹn đúng với truyền thống của dân tộc, các gia đình đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ cá chép, vàng mã, hoa quả, mâm cúng, bài khấn…

Người dân tấp nập sắm đồ vàng mã cúng ông Công, ông Táo.

Theo thông lệ, việc cúng ông Công, ông Táo của các gia chủ diễn ra tốt nhất là trước giờ Ngọ (12 giờ trưa). Chuẩn bị cho Tết ông Công, ông Táo, người dân trên địa bàn tỉnh đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đi chợ chuẩn bị chu đáo đồ lễ. Tết ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà và vị thần Bếp núc.

Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Công, ông Táo và thờ cúng với hy vọng sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Các Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của gia chủ. Để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Các Táo đi trong 7 ngày, đến trưa ngày 30 tháng Chạp lại trở về dưới trần gian, nhập vào bếp của gia chủ để “cai quản” một năm mới.

Ông Công, ông Táo là các vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, quyết định sự may, rủi, phúc họa, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Công, ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sung túc của một năm. Ngày 23 tháng Chạp ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều phóng sinh cá chép ra sông hay ao, hồ với ngụ ý “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”.

Theo ông cha ta, cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công. Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia hài và một số tiền vàng bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Công, ông Táo cùng với bài vị cũ. Sau đó các gia chủ sẽ lập bài vị mới cho ông Công, ông Táo.

Ở chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) những ngày này tấp nập người mua bán. Ông Đào Kháng, phường Minh Xuân đi chợ sắm đồ cúng cho biết, ông đã chọn mua được bộ đồ mã ông Công, ông Táo ưng ý. Năm nay, gia đình ông thay bàn thờ mới, nên việc bốc bát hương, chuyển chân nhang vào dịp này là rất hợp lý để ông Công, ông Táo sẽ báo cáo ngay việc này của gia chủ tới Ngọc Hoàng. Cũng theo ông Kháng, việc cúng Tết ông Công, ông Táo của mỗi gia chủ hàng năm là rất quan trọng. Nó thể hiện nét văn hóa, tâm linh của người Việt với các vị thần ngự trị tại mỗi gia đình như câu ngạn ngữ “Sống có thổ công, sông có hà bá”.

Ngày nay, Tết ông Công, ông Táo đã trở thành truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Bà Hoàng Thị Huệ, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) nói, đây cũng là dịp để mỗi gia chủ tự kiểm điểm các thành viên gia đình trong một năm qua, những việc đã làm được, những việc chưa làm được, những thiếu sót, khuyết điểm. Qua đó, tự nhủ trong năm mới sẽ cùng nhau cố gắng hơn, xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc. 

Chính vì vậy, lễ cúng ông Công, ông Táo thể hiện ước mong của gia chủ về một mùa xuân mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Đây chính là nét đẹp văn hóa vẫn luôn được người dân gìn giữ và phát huy.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục