Yên Sơn bảo tồn và phát huy nghề thêu của người Mông

Tháng 8- 2022, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với các địa phương, việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào Mông, trong đó có nghề thêu được huyện Yên Sơn đặc biệt quan tâm.

Các thành viên trong CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông, thôn Quân, xã Hùng Lợi (Yên Sơn)
đang cùng nhau học nghề thêu.

Bà Cù Thị Triệu, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết bảo, con gái người Mông phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa là việc đầu tiên, vì nó thể hiện là người đảm đang, chăm lo cho gia đình. Vì vậy người phụ nữ Mông luôn tranh thủ thời gian nông nhàn thêu cho mình và người thân những bộ trang phục theo cách truyền thống được trao truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Bà Triệu chia sẻ, điều quan trọng nhất trong bộ trang phục thể hiện bằng kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, rồi đến thêu, ghép vải và phối màu giữa các bộ phận của trang phục một cách hài hòa.

Các họa tiết hoa văn rực rỡ được phối màu bằng nhiều gam như: đỏ, hồng, vàng, cam xen lẫn một số hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm đen. Đẹp nhất vẫn là những hình thêu của trang phục nó đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ, vì khi thêu sẽ không đè lên các sợi mà luồn chỉ theo mắt sợi, đường rích rắc theo cách thêu chéo mũi, thêu ở mặt trái nhưng họa tiết thì nổi lên mặt phải của miếng vải tạo nét mềm mại mang sắc thái đặc trưng.

Họa tiết được cách điệu bằng hình bông hoa, ô chéo, chữ nhật, chữ thập, đường thẳng, hình chữ nhật xen kẽ những dải hoa thêu lớn và đường thêu hình núi đồi. Đây chính là nét riêng biệt của trang phục truyền thống người Mông Hoa, nó đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo của người thêu, bên cạnh đó gửi gắm được những thông điệp về cuộc sống thường ngày.

Xã Hùng Lợi có 47% là đồng bào dân tộc Mông, nhưng đa phần ở đây chủ yếu là Mông trắng, vì vậy để gìn giữ và phát huy bản sắc, nhất là nghề thêu, xã đã thành lập CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông thôn Quân. Chị Lý Thị Chiêm, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB được thành lập từ tháng 8-2022 đến nay có 15 thành viên, độ tuổi từ 12-70 tuổi.

Bà con dân tộc Mông thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) giữ nghề thêu.

Mỗi tháng sinh hoạt 1 buổi, các thành viên trong CLB lại cùng nhau giao lưu học hỏi, trao đổi về kỹ thuật thêu hoa văn của trang phục, người biết nhiều sẽ dạy người chưa biết dần sẽ thành thói quen. Khi các thành viên cầm cây kim, sợi chỉ lên, là mọi người chỉ biết đắm mình vào những mũi thêu, giữ cho tâm hồn lạc quan, tạm gác lại mọi nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống.

Chị Lý Thị Nhình, thành viên CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông, xã Hùng Lợi nói, tham gia vào CLB chị rất vui vì được mọi người chỉ dạy từng mũi thêu hoa văn trên trang phục, chỗ nào chưa biết thì nhờ các bà, các chị dạy. Học thêu tuy không khó, nhưng để thêu quen tay thì mất nhiều thời gian, chị phải học mất gần 3 tháng mới thêu được các hình trên trang phục. Đến nay chị đã thêu thành thạo được 1 bộ trang phục của đồng bào dân tộc mình, chị đang dạy các con mình về nghề thêu truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng gần 30% là đồng bào dân tộc Mông, sống tập trung ở một số xã như Mỹ Bằng, Đạo Viện, Kiến Thiết, Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan…. Để bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống cũng như nghề thêu của người Mông, phòng Văn hóa và Thông tin huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề với những hoa văn đặc sắc của dân tộc mình.

Đồng thời tổ chức thành lập nhiều CLB để truyền dạy nghề thêu cho thế hệ trẻ; tổ chức các cuộc thi liên hoan ca múa nhạc dân tộc Mông; đưa trang phục của đồng bào Mông thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa cũng như phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người Mông trên địa bàn huyện.

Chị Lý Thị Chiêm, thôn Quân, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) dạy con gái những đường thêu cơ bản của trang phục Mông.

Yên Sơn hiện đã thành lập được 7 CLB, 8 đội gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông với trên 550 thành viên tham gia. Trong đó, các câu lạc bộ, các đội tập trung giữ và phát triển tiếng  nói, các làn điệu dân ca, dân vũ và nghề truyền thống. Em Tráng Thị Hương, 13 tuổi, thành viên đội văn hóa gìn giữ bản sắc dân tộc Mông thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng nói, em tham gia vào đội được gần 3 năm nay, đến đây em được mọi người dạy hát, dạy tiếng nói, đặc biệt dạy nghề thêu trang phục truyền thống dân tộc. Vì vậy, ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh em cố gắng học thêu và tự biết thêu váy, áo cho mình để mặc trong ngày hội, ngày lễ, em rất yêu bản sắc dân tộc mình và muốn học thật nhiều hơn nữa.

Việc lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống nghề thêu của đồng bào dân tộc Mông huyện Yên Sơn đã từng bước tạo cho thế hệ trẻ người Mông luôn ý thức trong việc lưu truyền và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Để văn hóa truyền thống không bị mai một trước sự phát triển, giao thoa trong xã hội hiện đại.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục