Đổi mới tuyên truyền pháp luật trong nhà trường

- Thời gian qua, công tác đổi mới tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.

Thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Việc giáo dục, tuyên truyền được “mềm hóa” với nhiều hình thức đa dạng thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa, lồng ghép trong các tiết sinh hoạt, hoạt động ngoài giờ, tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện về pháp luật… Nội dung tuyên truyền được cụ thể hóa phù hợp với lứa tuổi học sinh bao gồm phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, Luật Bảo vệ trẻ em, Bảo vệ môi trường...

Học sinh trường PTDT nội trú THPT tỉnh trải nghiệm lái xe an toàn.

Việc đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi đã giúp các em học sinh dễ tiếp cận hơn với các khái niệm về luật, từ đó có thể liên hệ với những tình huống thực tế trong cuộc sống. Em Lê Thục Anh, lớp 11A, Trường THPT Chuyên cho biết: “Việc tiếp cận pháp luật thông qua những hình thức tuyên truyền sinh động “học mà chơi, chơi mà học” giúp em dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Em thật sự thích các tiết mục tuyên truyền pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa. Có những tình huống rất sôi động, hài hước, cũng có những tiết mục tái hiện lại những vụ việc, hoàn cảnh thương tâm để lại nhiều cảm xúc cho người xem”. Dù bằng hình thức tuyên truyền nào thì các em đã được rèn luyện, hình thành hành vi ứng xử chuẩn mực theo pháp luật, biết tự bảo vệ mình và chủ động tố giác các hành vi sai trái.

Chỉ tính riêng trong “Tháng An toàn giao thông” năm 2022, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho trên 5.600 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Trong đó có gần 1.000 đoàn viên, thanh niên tham gia ngày hội “Thanh niên Tuyên Quang với văn hóa giao thông 2022” với nhiều hoạt động như: Trình diễn tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ tuyên truyền, ra quân diễu hành tuyên truyền cổ động trên các tuyến phố chính ở địa bàn thành phố, tổ chức Hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu trật tự An toàn giao thông” cấp tỉnh...

Trường THPT Nguyễn Văn Huyên là một trong những đơn vị điển hình trong công tác giáo dục, phổ biến pháp luật. Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa như: “Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, luật an ninh mạng và sử dụng mạng xã hội”, “Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy”, truyền thông về bình đẳng giới... Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tại buổi ngoại khóa, các em học sinh đã được trực tiếp trao đổi về những tình huống khi tham gia giao thông, biết cách ứng xử văn hóa và cách để điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe gắn máy để tham gia giao thông an toàn. Các em cũng được biết về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, nhận biết lừa đảo thông tin qua mạng xã hội, phòng ngừa, đấu tranh với ma túy và tệ nạn xã hội...

Nhằm nâng cao ý thức của học sinh trong việc chấp hành pháp luật, tại các trường học, các hòm thư tố giác tệ nạn cũng được duy trì, các khẩu hiệu an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tác hại của thuốc lá, phòng chống các hành vi tiêu cực trong học đường được treo ở các vị trí dễ thấy. 100% các đơn vị trường học ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không vi phạm các tệ nạn ma túy, mại dâm, chấp hành pháp luật về trật tự an toàn xã hội.

Việc đổi mới và tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục bám sát đặc điểm của từng địa phương đã giúp hình thành thói quen chủ động học tập, tuân thủ pháp luật. Qua đó góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục