Khi giáo viên “chạy sô”

- Để đảm bảo kế hoạch dạy học, nhiều giáo viên phải “chạy sô” từ điểm chính đến các điểm trường lẻ. Việc di chuyển giữa các điểm trường mất thời gian, tương đối vất vả song bằng sự nỗ lực, tình yêu nghề, các thầy, cô giáo đã cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Không ngại vất vả

Như thường lệ, sau khi hoàn thành kế hoạch dạy học theo thời khóa biểu tại điểm trường chính - trường Tiểu học thị trấn Na Hang vào buổi sáng, cô giáo Đàm Thị Huệ lại chuẩn bị “hành trang” di chuyển đến điểm trường lẻ cách đó hơn 5 km, có hôm được phân công cô còn phải thực hiện di chuyển đến điểm trường xa hơn 10 km để dạy học vào buổi chiều.

Cô giáo Hoàng Thị Tươi, trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) trong giờ dạy học môn Lịch sử.

Năm học 2022-2023, trường Tiểu học thị trấn Na Hang có 675 học sinh. Hiện nay nhà trường còn 3 điểm trường gồm trường chính và 2 điểm trường lẻ ở thôn Nà Mỏ và Ngòi Nẻ. Dù có kế hoạch dồn ghép thế nhưng do điểm trường lẻ ở khá xa trường chính nên chưa thể thực hiện ngay được. Để đảm bảo kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày nhà trường đã sắp xếp lịch dạy học, bố trí giáo viên cho phù hợp. Việc phân công giáo viên dạy học tại các điểm trường dù giáo viên vất vả hơn song đến nay, tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với cô giáo Hoàng Thị Tươi, dạy môn Lịch sử, trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) thì việc “chạy sô” dạy học đã trở nên rất đỗi bình thường. Hết tiết dạy ở trường chính cô lại tranh thủ đi xe máy vào điểm trường Phong Lưu (cách trường chính gần 3 km). Dù dạy học ở điểm trường nào thì cô Tươi cũng cố gắng truyền “lửa” tình yêu môn học này tới học sinh, nhiều năm liền cô đều có học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô Tươi bảo, những lúc mệt mỏi chỉ cần nghĩ đến những học sinh đã trưởng thành, những khuôn mặt học sinh tươi cười rạng rỡ là mệt mỏi lại tan biến. Thế nên việc phải đi đi lại lại giữa các điểm trường để dạy học đối với cô Tươi không đáng ngại. Ở điểm trường lẻ, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên ngoài dạy học cô còn gần gũi, động viên các em. Nhất là trong mấy năm gần đây, cam sành mất giá, nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa nên khi vào thôn dạy học cô thường dành thời gian đến tận nhà học trò để tìm hiểu, động viên các em chăm chỉ đến trường...

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện còn 811 điểm trường lẻ, trong đó mầm non 517 điểm, tiểu học 290 điểm và THCS 4 điểm. Trong năm học này đã sắp xếp giảm được 73 điểm trường lẻ. Dù chủ trương sắp xếp các điểm trường lẻ về điểm trường chính đang được thực hiện theo lộ trình để tập trung cơ sở vật chất, giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục song có nhiều điểm trường lẻ ở xa trung tâm, đường đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất ở trường chính không đáp ứng được nên việc dồn ghép điểm trường lẻ về điểm trường chính chưa thực hiện được. Và tại các trường này thì việc phân công giáo viên dạy học giữa các điểm trường chính là sự linh hoạt để đáp ứng đủ giáo viên dạy học và đảm bảo kế hoạch dạy học của nhà trường, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Thầy giáo Lê Đức Thịnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện nhà trường còn 3 điểm trường lẻ ở các tổ 2, 3 và 8, điểm xa nhất cách trường chính hơn 8 km. Để đảm bảo kế hoạch dạy học, nhà trường đã phân công 10 giáo viên vừa dạy học tại điểm trường chính và các điểm lẻ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của giáo viên giữa các điểm trường, nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu dạy học cho phù hợp. Tuy nhiên khó khăn là cơ sở tại điểm trường lẻ còn thiếu, có điểm trường không có phòng nghỉ trưa, chỗ nấu ăn cho giáo viên... Việc dồn ghép chưa thể thực hiện ngay được, do vậy tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của mỗi giáo viên bám lớp, bám trường đã giúp nhà trường hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Không giống như những ca sỹ hay những chuyên gia “chạy sô” chỗ này chỗ kia, “chạy sô” càng nhiều thì thu nhập càng cao, những giáo viên “chạy sô” đi lại vất vả mà lương không tăng thêm. Thế nhưng vì tình yêu học trò các thầy, cô đã khắc phục khó khăn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục