Tuyển sinh đại học năm 2023: Phát huy tự chủ, thêm thuận lợi cho thí sinh

Ngày 4-11, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ tháng 11-2022, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã rục rịch chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2023. Kỳ tuyển sinh đại học năm tới dự báo có những điểm mới nhằm bảo đảm thuận lợi hơn cho thí sinh và cả các nhà trường.

Các trường tiếp tục phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh và đã công bố một số thông tin mới. Đáng chú ý, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh mới.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học năm 2022 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh có thêm thuận lợi 

Ngày 1-11, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã công bố quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước công bố quy chế tuyển sinh đại học riêng. Hằng năm, nhà trường công bố quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển/xét tuyển kết hợp hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. 

Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, nếu nhà trường tổ chức thi tuyển sinh thì sẽ thông báo trước ít nhất một năm trước khi cho thí sinh đăng ký dự tuyển và tuân thủ tổ chức thi theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm 2023, nhà trường sẽ giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định ở mức như hiện nay với phương thức xét tuyển chủ yếu là xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh... 

Phát huy quyền tự chủ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã công bố phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh năm 2023. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, năm 2023, đơn vị tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên với quy mô 100.000 lượt thí sinh. Mỗi thí sinh được đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm. Thí sinh có thể đăng ký thi từ tháng 2-2023. 

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức kỳ thi kỳ thi đánh giá năng lực tại thành phố Hồ Chí Minh như năm 2022. Hai đại học lớn của cả nước là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương sẽ công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau để tránh tình trạng thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi. 

Thông tin từ Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, đơn vị tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực tại 17 tỉnh, thành phố như năm 2022. Đơn vị này đang xem xét mở rộng thêm điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. 

Không ban hành quy chế tuyển sinh mới 

Trước sự mong ngóng của nhiều cơ sở đào tạo về quy chế mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để làm căn cứ cho việc xây dựng, công bố đề án tuyển sinh riêng cho năm 2023, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, đến thời điểm này, công tác tuyển sinh đại học năm 2022 đã diễn ra an toàn, chất lượng, là căn cứ để Bộ tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh đại học năm 2023. 

Theo đó, công tác tuyển sinh đại học năm 2023 dự kiến sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2022, tuy nhiên, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Một trong những giải pháp là nâng cấp các chức năng của phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, tăng cường tính năng kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm sai sót. Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển; yêu cầu không sử dụng những phương thức xét tuyển không phù hợp, ít hiệu quả và gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Thí sinh và các cơ sở đào tạo cũng cần lưu ý, một trong những điểm mới sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023 (đã được nêu rõ tại Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, ban hành ngày 6-6-2022) là thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 2 năm, là trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học. 

Một điểm mới từ năm 2023 mà thí sinh cần lưu ý là cách tính mức điểm ưu tiên có thay đổi so với năm 2022 nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.  

Cụ thể, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định của quy chế. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục rà soát, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2022; lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh, hoàn thiện phương án tuyển sinh đại học năm 2023. Trong đó, có thể xem xét khuyến cáo các trường không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục