>>Bài 1: Đổi mới dạy nghề tại các trung tâm >>Bài cuối: “Đầu ra” sau học nghề
|
Khi doanh nghiệp “cần là có”
Nhằm tăng cơ hội có việc làm cho các học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, thời gian qua, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã tăng cường hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Tính từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã ký hợp đồng đào tạo nghề cho hàng trăm người lao động, công nhân thuộc các Công ty lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty TNHH MTV Sheshin VN2, Nhà máy May Tuyên Quang…
Các học viên sau khi đào tạo tại trường được nhà tuyển dụng đánh giá cao, đáp ứng được nhiệm vụ công việc và hầu hết được nhận vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Hoan ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) sau khi học lớp nghề may theo hợp đồng giữa Công ty TNHH MSA-YB ở Khu Công nghiệp Long Bình An với trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã được tuyển dụng làm việc chính thức tại Công ty. Đến nay, chị đã trở thành công nhân may lành nghề. Chị Hoan cho biết, với mức lương trung bình hơn 5 triệu đồng mỗi tháng đã giúp gia đình chị nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đây, chị nhận thấy việc đào tạo nghề giữa Công ty và nhà trường rất phù hợp, hiệu quả.
Trong quá trình đào tạo, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã thường xuyên tạo điều kiện cho học viên đến các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh như: Công ty Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc, Nhà máy VinFast ở Hải Phòng, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang… để thực tập trải nghiệm, thực tập sản xuất nhằm giúp các em được tiếp cận với thực tế sản xuất, rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.
![]() Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đào tạo nghề may theo đơn đặt hàng với Công ty TNHH MSA-YB Tuyên Quang. |
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang chuyên sản xuất gỗ công nghiệp cho biết, khi thực tập tại công ty, các học viên được đào tạo tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang có sự bắt nhịp với công việc rất nhanh. Cùng với đó là thái độ, tác phong công nghiệp, các em đã chịu khó học hỏi và chủ động làm quen tốt với môi trường làm việc yêu cầu sự chính xác và tính cẩn thận cao. Những điều này chứng tỏ, trước đó nhà trường đã trang bị cho các em đầy đủ những kiến thức cần thiết nhất.
Bên cạnh đó, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang còn chủ động mời đại diện các doanh nghiệp tham gia xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức định kỳ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để tạo điều kiện cho học viên tích lũy kiến thức thực tế và nâng cao kiến thức xã hội. Em Nguyễn Khánh Hòa, học viên lớp Công nghệ ô tô chia sẻ, sau những lần được đi thực tế, thực tập ở các doanh nghiệp lớn và những xưởng sửa chữa ô tô trong tỉnh đã giúp chúng em trưởng thành về mọi mặt. Lượng kiến thức được tích lũy qua những giờ học lý thuyết và cả thực hành đã giúp chúng em luôn tự tin, nỗ lực trong học tập để đạt kết quả tốt nhất. Nhờ đó, em tin tưởng rằng, sau khi ra trường chúng em có thể “sống được” với nghề đã chọn.
Việc triển khai công tác liên kết, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang trong thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các nhà tuyển dụng. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tìm đầu ra sau đào tạo cho học viên đã được trường quan tâm, chú trọng. Qua triển khai đã nhận được đánh giá tích cực từ phía các nhà tuyển dụng. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH MSA-YB ở Khu Công nghiệp Long Bình An cho biết, chất lượng đào tạo tại nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu của Công ty. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục liên kết cùng nhà trường đào tạo công nhân để mở rộng sản xuất.
![]() Đào tạo nghề hàn tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - Công nghiệp Tuyên Quang. |
Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo
Hiện nay, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đang thực hiện hơn 20 chương trình đào tạo, trong đó có 6 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 6 nghề đào tạo trình độ trung cấp và 15 nghề đào tạo trình độ sơ cấp như: Hàn, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Kế toán doanh nghiệp, Vận hành máy thi công nền, Sửa chữa xe máy; Lái xe ô tô các hạng B1, B2, C, E... với quy mô đào tạo trên 2.000 học viên mỗi năm. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn coi trọng yếu tố dạy lý thuyết gắn với thực hành, các phòng học, phòng chức năng, hệ thống sân, bãi tập lái xe... của nhà trường có đầy đủ các thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo các ngành nghề theo đúng quy định.
Tính từ năm 2015 đến nay, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã đào tạo và công nhận tốt nghiệp cho trên 6.700 học sinh, sinh viên. Theo khảo sát của nhà trường, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt trên 70%, mức thu nhập bình quân hàng tháng đạt từ 5 đến 9 triệu đồng, có những học viên có mức thu nhập lên đến 12 triệu đồng/tháng. Những kết quả trên cho thấy công tác đào tạo nghề tại nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc đào tạo nghề ngày càng sát với nhu cầu thực tế của xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tay nghề cho người lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong thời gian tới trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ đã triển khai các giải pháp toàn diện. Trong đó, thực hiện kế hoạch nâng quy mô đào tạo, đồng thời chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, gắn đào tạo tại nhà trường với cơ sở sản xuất; thường xuyên cập nhật, bổ sung các kiến thức, công nghệ mới vào chương trình đào tạo, tiếp nhận những chương trình đào tạo nhập khẩu đạt chuẩn quốc tế theo dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường cũng tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, nâng cao ý thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên đối với cộng đồng và xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảm bảo giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo đúng quy định...
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, trong đào tạo nhà trường luôn coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sử dụng các phòng học tích hợp giữa lý thuyết và thực hành và coi người học là trung tâm để đào tạo nghề sát với thực tế. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các trường học, đơn vị tổ chức hoạt động tư vấn, định hướng nghề nhằm thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, tiếp tục sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, tăng cường phát triển các nghề trọng điểm, phấn đấu có nhiều ngành nghề đạt cấp độ ASEAN... Từ đó, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trong giai đoạn tiếp theo.
Bài, ảnh: Mạnh Tùng
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết