Bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống: Việc không thể chậm trễ

TQĐT - Phát triển nghề, làng nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập đang là thách thức lớn với các địa phương trong tỉnh, khi hầu hết nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đều ở dạng quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô…

Lao động làm việc tại Hợp tác xã An Nhiên Phát, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình). 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 16 làng nghề hình thành và phát triển, trong đó có 6 làng nghề đã được công nhận và 10 làng nghề chưa được công nhận. Trong số này, 14 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; 1 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 1 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt, thêu ren… Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại khi trong tổng số 16 làng nghề, thì có đến 11 nghề, làng nghề cần bảo tồn lâu dài, do câu chuyện về lao động, đầu ra cũng như xây dựng, bảo tồn và phát triển thương hiệu. 

Hợp tác xã An Nhiên Phát, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ tre từ đầu năm 2018. Anh Chẩu Thanh Phương, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nhận thấy ưu điểm về vùng nguyên liệu, cuối năm 2017 anh bắt đầu sản xuất thử nghiệm và đầu năm 2018, thành lập Hợp tác xã chế biến sản phẩm đồ mỹ nghệ, như cốc tre, ấm chén, đũa… Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, doanh thu gần 50 triệu đồng. Từ mạng xã hội, anh Phương kết nối và xây dựng được đại lý bày bán, giới thiệu sản phẩm tại khắp Bắc - Trung - Nam.

Trong đó, tại Hà Nội có 6 điểm phân phối; Đà Nẵng có 1 điểm và thành phố Hồ Chí Minh 2 điểm. Giá bán tương đối đa dạng, từ 2 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, tùy vào độ khó của sản phẩm. Cái khó của Hợp tác xã An Nhiên Phát hiện nay là việc mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm lao động địa phương. Cơ sở của anh hiện đang phải cạnh tranh với các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước trong việc thu hút lao động trẻ, đặc biệt là lao động thanh niên. Nếu bài toán giữa thu nhập và lưu giữ, phát triển nghề không giải quyết được, thì câu chuyện thiếu hụt lao động là điều không tránh khỏi.

Làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) là một trong 6 làng nghề chè đã được công nhận của tỉnh. Tuy nhiên, câu chuyện có được chứng nhận làng nghề với sống được từ nghề là bài toán đang cần lời giải ở đây. Ông Ma Văn Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nghề trồng, chế biến chè có ở Minh Thanh đã gần 50 năm nay, với diện tích tương đối lớn. Riêng ở thôn Cảy, diện tích chè tập trung là hơn 30 ha, năng suất búp tươi bình quân mỗi ha ước đạt hơn 11 tấn. Thôn có 87/117 hộ trồng, sản xuất và chế biến chè.

Từ khi thành lập làng nghề, người dân được tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè sạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất, năng suất chè búp thu hoạch được cải thiện đáng kể, từ 8 - 10 tấn/ha lên 11 - 13 tấn/ha. Bài toán thiếu hụt lao động cũng đang thường trực ở đây, vì theo ông Tụ, đa phần lao động hiện đã đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh, hầu hết diện tích chè của các hộ trong làng nghề đều phải thuê nhân công từ nơi khác đến làm việc. Nguyên nhân là do, thu nhập từ nghề chưa đủ để bà con yên tâm đầu tư, sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tụ, sản phẩm chè ở thôn Cảy nói riêng và ở xã nói chung hiện vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, mà chủ yếu vẫn ở dạng sơ chế và bán lại cho một số đơn vị chế biến trên địa bàn huyện và của tỉnh Thái Nguyên. Giá bán chè khô vì thế cũng tương đối bấp bênh, có thời điểm giá bán đạt từ 140 - 150 nghìn đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm rơi xuống còn 70 - 80 nghìn đồng/kg. Việc xây dựng thương hiệu, tạo ra chỗ đứng và uy tín riêng biệt cho sản phẩm chè ở đây đang được xã xúc tiến trong thời gian tới, khi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã được bắt đầu khởi động tại tỉnh ta. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã ban hành và tổ chức triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn đối với từng loại hình sản xuất (từ hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ)… HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29 về chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 55 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 68 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp… Nhưng theo đánh giá của ngành, số lượng các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn từ các chương trình này rất hạn chế, chưa kể nhiều chương trình không giải ngân được do khâu xét duyệt còn nhiều thủ tục. 

Nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm còn hạn chế, như Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh chỉ hỗ trợ đối với 3 cây (chè đặc sản, mía, cam sành), 2 con (trâu, cá đặc sản), trong khi các sản phẩm nông nghiệp khác có nhu cầu cao lại không nằm trong đối tượng được hỗ trợ cụ thể như chè xanh, lạc, rượu, bưởi… Thêm vào đó, năng lực quản lý và tổ chức sản xuất của các cơ sở ngành nghề nông thôn còn nhiều hạn chế, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn yếu, thị trường đầu ra chưa ổn định, dẫn đến sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa bền vững. 

Khi câu chuyện gây dựng, công nhận làng nghề vẫn đang gặp khó, thì việc bảo tồn, lưu giữ những làng nghề, làng có nghề càng cần được quan tâm hơn. Vì mỗi làng nghề được hình thành đều phải trải qua thời gian, để việc giữ gìn được tinh hoa qua từng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là cả một câu chuyện dài của người làm nghề. Giải pháp của ngành Nông nghiệp hiện nay là quy hoạch, định hướng phát triển nghề truyền thống nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.    

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục