Chú trọng tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ

- Trung bình mỗi năm, tỉnh Tuyên Quang có trên 1.000 thanh niên xuất ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Nhằm phát huy nguồn nhân lực dồi dào ấy, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp trong định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Qua đó, nhiều quân nhân xuất ngũ đã chủ động, mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, góp phần tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định.

Hiện nay, một số quân nhân xuất ngũ là đảng viên, có trình độ được bố trí, sắp xếp vào chức danh chủ chốt, cán bộ bán chuyên trách của xã. Còn lại đa phần quân nhân xuất ngũ chủ động tự tạo việc làm tại chỗ, đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước. Thực tế cũng cho thấy, nhiều quân nhân đã nỗ lực, phát huy hiệu quả ngành nghề đào tạo sau xuất ngũ, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

 Anh Hà Văn Quỹ, 31 tuổi, thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) lập nghiệp từ nghề sửa chữa xe máy sau khi xuất ngũ.

Anh Hà Văn Quỹ, 31 tuổi, thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) là điển hình. Với ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại, sau khi xuất ngũ, anh Quỹ học nghề sửa chữa xe máy miễn phí tại trường Nghề của Bộ Quốc phòng. Năm 2017, anh mở cửa hàng tại thôn và có thu nhập ổn định từ nghề. Cho đến nay, anh đã phát triển thêm nhiều dịch vụ ngành nghề liên quan đến nhau: mua bán xe máy cũ, thu mua sắt vụn, sửa chữa máy nông nghiệp; lắp đặt, lợp mái tôn, sơn nhà cửa; chuyên nhận thi công hàng rào sắt, cổng rào, khung sắt bảo vệ; thi công đầm nền nhà, đầm công trình lớn nhỏ; dịch vụ vận tải... Từ các mảng dịch vụ, anh  tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Đức Chính,  Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh,  bộ đội, công an xuất ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự có tuổi đời trẻ, sức khỏe tốt, từng rèn luyện trong môi trường kỷ luật chuẩn mực, nên dễ dàng thích ứng với nhiều vị trí công việc. Những năm qua, Trung tâm tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm theo các hình thức: phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành trong nước; giao dịch chuyên đề tại các huyện, thành phố nhằm kết nối cung - cầu, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an... Trước Tết Nguyên đán 2023, Trung tâm đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Tuyên Quang, Trung đoàn 148 (Quân khu 2) tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 700 chiến sỹ xuất ngũ năm 2023. Ngoài ra, Ban CHQS, Huyện đoàn các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 800 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Các doanh nghiệp, trường nghề giới thiệu tuyển dụng nhiều vị trí như: nhân viên kinh doanh, marketing, công nhân may, bảo vệ, lao động phổ thông, xuất khẩu lao động...

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về xuất khẩu lao động cho thanh niên, quân nhân xuất ngũ, cán bộ Đoàn cơ sở huyện Chiêm Hóa đi thực tế, tìm hiểu tại doanh nghiệp tuyển dụng.

Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, các cấp, ngành, địa phương cũng định hướng các doanh nghiệp trên địa bàn khi tuyển dụng lao động sẽ ưu tiên quân nhân xuất ngũ có tay nghề; hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế tại chỗ. Đối với những quân nhân khi tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài đều được các doanh nghiệp tuyển dụng có chính sách ưu đãi khi tham gia học nghề, ngoại ngữ và vay vốn...

Em Ma Văn Khánh, 20 tuổi, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Được tham dự buổi tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động, em rất thích được đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, gia cảnh hiện nay của em còn nhiều khó khăn. Trước mắt, em sẽ chọn phương án tham gia lao động tại khu công nghiệp trong nước để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.

Trong thời gian tới, để tăng cường hơn nữa giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để tìm “đầu ra” giúp bộ đội, công an xuất ngũ được tuyển dụng, có việc làm ổn định.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục