Lao động về đâu sau khi học nghề?
Theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đối tượng chính của đề án là những người trong độ tuổi lao động và tập trung chủ yếu vào lao động là đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, công tác đào tạo nghề gặp phải nhiều khó khăn khi người lao động vẫn giữ những tập tục canh tác lạc hậu, ngại thay đổi, tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến.
Theo ông Hoàng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hàm Yên, chính vì sự ngại thay đổi của người lao động nên việc đào tạo nghề trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả. Người lao động vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ý thức kỷ luật chưa cao nên dù đã đăng ký học, nhưng không thực hiện đúng những quy định của lớp học; một số học viên trong quá trình học vẫn tranh thủ làm việc khác, dẫn đến tình trạng học cho có, không áp dụng được vào thực tế.
Thiếu hụt giáo viên giảng dạy cũng là một khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng của các lớp dạy nghề. Hiện nay, trung bình mỗi trung tâm đào tạo nghề của các huyện, thành phố chỉ có từ 2-3 giáo viên, không đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn. Vì vậy, đội ngũ giáo viên thường là giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng. Các trung tâm đào tạo nghề thường xuyên phải thuê giáo viên của trường Đại học Tân Trào, Cao đẳng Nghề kỹ thuật - Công nghệ hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện giảng dạy. Việc liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, người lao động cũng còn hạn chế.
![]() Học viên lớp kỹ thuật máy nông nghiệp trong giờ thực hành tại xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). |
Ông Hoàng Văn Thao, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình nói, để khai giảng một lớp học nghề, trung tâm cần tuyển sinh từ 25 - 35 lao động. Đơn cử, khai giảng một lớp sửa chữa máy nông nghiệp, sau thời gian học các học viên không phải ai cũng có điều kiện mở cửa hàng sửa chữa. Đa phần họ chỉ phục vụ được công việc của gia đình. Vì thế, nếu không có sự lựa chọn, phối hợp giữa các đơn vị liên quan thì số học viên sống được bằng nghề chỉ khoảng 10% số học viên được đào tạo.
Việc đảm bảo đầu ra cho người lao động sau khi học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Các lớp học nghề thường có thời gian học từ 1-3 tháng. Quãng thời gian đó, các học viên vừa học lý thuyết, vừa học thực hành sẽ không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cũng như chất lượng của các sản phẩm để phục vụ nhu cầu của thị trường. Ví dụ như đối với các lớp nghề mây tre đan, thêu ren… Chị Hoàng Thị Hương, xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết, năm 2017 chị tham gia lớp học nghề thêu ren của xã trong thời gian 1 tháng. Sau khi học nghề, các sản phẩm chị làm ra chỉ một số ít được thu mua, thu nhập bình quân mỗi ngày chỉ từ 30 - 50 nghìn đồng. Với thời gian và công sức làm ra 1 sản phẩm thì nguồn thu nhập từ thêu ren không đủ đảm bảo cuộc sống. Vì thế, chị đã chuyển hướng làm công việc khác.
Để thực sự là cơ hội “vàng”
Với những khó khăn trong công tác dạy nghề lao động nông thôn như hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề ra các giải pháp: Tập trung vào các ngành nghề phù hợp với địa phương; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển dụng để đảm bảo đầu ra cho học viên… Theo bà Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dựa vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, các ngành nghề phù hợp với người lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay là: Nghề mộc dân dụng, nghề may, nghề kỹ thuật trồng cây nông nghiệp. Các học viên sau khi học nghề phần lớn đã áp dụng được vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Anh Lý Văn Hướng, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình) chia sẻ, gia đình anh đầu tư trồng cây bưởi, cam từ năm 2016. Do chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ tham khảo của những người đi trước. Năm 2017, biết được thông tin huyện tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, anh đã đăng ký tham gia. Sau khi học, anh áp dụng những kiến thức đã học vào vườn cây của mình. Hiện nay, vườn cây của anh có khoảng 3.000 gốc cam và bưởi đang phát triển tốt và bắt đầu bói quả.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo đầu ra cho học viên sau khi học nghề. Sở đã phối hợp với trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tổ chức 10 lớp đào tạo nghề mộc dân dụng. Hiện nay, đã mở được 4 lớp. Các học viên sau khi học nghề sẽ được tuyển dụng làm việc tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ngoài ra, các huyện trên địa bàn tỉnh đã chủ động làm việc với các công ty tuyển dụng tìm đầu ra cho học viên tham gia các lớp học nghề trên địa bàn.
Năm 2018, các trung tâm có kế hoạch mở 100 lớp dạy nghề cho trên 3.500 học viên với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, UBND tỉnh đã đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ đầu tư cho cơ sở đào tạo nghề tại huyện Lâm Bình, Sơn Dương, Yên Sơn và hiện đã được phê duyệt với tổng kinh phí 32 tỷ đồng từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy cũng được nghiêm túc thực hiện tránh tình trạng học viên học xong không thể áp dụng vào thực tiễn.
Anh Lương Quang Duy, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương cho biết, để nâng cao chất lượng giảng dạy, bản thân anh ngoài việc tham gia những buổi tập huấn, nâng cao tay nghề còn thường xuyên tìm hiểu, sưu tầm những kiến thức mới trên báo, đài, internet. Với phương pháp lấy người học làm trung tâm, anh còn chủ động xây dựng chương trình học phù hợp với tình hình thực tế của học viên tại mỗi địa phương; đảm bảo học viên tham gia học ở mỗi ngành nghề có cơ hội thực hành, áp dụng những kiến thức trên lớp vào thực tế.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là cơ hội “vàng” giúp người lao động được học nghề và có việc làm và thu nhập ổn định. Vì vậy, cần tập trung vào các ngành nghề phù hợp, tránh dàn trải, lãng phí để mang lại hiệu quả tốt nhất. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, trong đó qua đào tạo nghề trên 37%.
Bài, ảnh: Thu Trang
Ông Hà Quốc Trung, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Sơn
Chú trọng chất lượng các lớp học nghề Hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các xã thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Trung bình mỗi năm huyện mở 12 đến 14 lớp cho gần 500 lao động với các nghề: Trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật nuôi ong lấy mật, sản xuất, đóng gói tăm, sửa chữa máy nông nghiệp... Để đảm bảo chất lượng các lớp học nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã sưu tầm, biên soạn, chỉnh sửa được 13 bộ khung chương trình, giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo nghề nông - lâm nghiệp và phi nông nghiệp; đảm bảo chương trình đào tạo cho từng nghề theo trình độ sơ cấp. Từ đó, giúp người lao động có thể áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tế.
Ông Trần Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên
Để người lao động sống được bằng nghề đã học Để nắm bắt nhu cầu học của người lao động, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với các xã triển khai kế hoạch cụ thể và tuyên truyền đến người dân. Trung tâm đã trực tiếp cử cán bộ xuống từng thôn tư vấn cho người lao động về chế độ, chính sách quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi tham gia học nghề. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã mở được 36 lớp dạy nghề cho hơn 1.278 học viên. Trong đó, tập trung vào các lớp nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: Nghề mộc dân dụng, kỹ thuật trồng cây nông nghiệp, trồng nấm. Bên cạnh đó, chủ động khắc phục khó khăn về đầu ra bằng cách phối hợp với các đơn vị tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho các học viên sau khi học nghề. Ông Trịnh Xuân Đô, nhân viên tuyển dụng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH MTV Seshin VN2
Nâng cao chất lượng đầu vào Nhằm đem lại chất lượng sản phẩm tốt, hàng năm Công ty THHH MTV Seshin VN2 phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để mở các lớp học nghề may tại các vùng nông thôn. Qua các lớp học nghề nhằm đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ thuật, kỹ năng cho người lao động, để khi vào làm việc người lao động không bị bỡ ngỡ và có thể thực hiện công việc được ngay. Sau khi các học viên được đào tạo, Công ty đều tuyển dụng vào làm việc với thu nhập ổn định.
Ông Đỗ Văn Trường, thôn Tiến Thắng, xã Cấp Tiến (Sơn Dương)
Ứng dụng hiệu quả vào thực tế Tháng 4 - 2017, tôi học lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp được tổ chức tại xã. Sau 3 tháng học lý thuyết, được giáo viên hướng dẫn thực hành các kỹ thuật tháo, lắp và sửa chữa máy móc cơ bản, đến nay tôi đã có thể sửa chữa thành thạo các loại máy hỗ trợ bà con làm nông nghiệp. Trung bình mỗi lần sửa chữa máy, tôi thu được từ 200 đến 300 nghìn đồng. Ngoài ra, tôi cũng tự mày mò, tìm hiểu để có thể sửa chữa các loại máy được tốt hơn. Hiện nay, tôi đã mở được cửa hàng sửa chữa và kinh doanh vật tư máy nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. |
Gửi phản hồi
In bài viết