![]() Anh Nguyễn Văn Luyện, xóm 20, xã Kim Phú (Yên Sơn) được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư trồng cây ăn quả. |
Đồng chí Nguyễn Thị Linh, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết, nhằm khuyến khích thanh niên thi đua phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định, trong năm qua, Huyện đoàn đã cử 96 đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên là chủ mô hình kinh tế tại các xã, thị trấn tham gia Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp do tỉnh tổ chức.
Huyện đoàn cũng đã triển khai cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn Tuyên Quang” năm 2018 do Tỉnh đoàn tổ chức tới các cơ sở đoàn và đoàn viên, thanh niên. Kết quả, đã có 13 đồng chí cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên có ý tưởng tham dự cuộc thi, có 2 ý tưởng lọt vào vòng thi chung kết. Trong đó, ý tưởng của đồng chí Bí thư Đoàn xã Phúc Ninh đoạt giải khuyến khích của cuộc thi. Các cơ sở đoàn đã phối hợp với các công ty thuộc các khu công nghiệp, chế xuất trong nước mở các đợt tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.433 thanh niên; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho 324 thanh niên. Qua đó, tạo việc làm mới cho 143 thanh niên.
Chị Ma Thị Diệp, Bí thư Đoàn xã Hùng Lợi cho biết, năm 2018, Đoàn xã đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 65 thanh niên; phối hợp tổ chức 01 lớp dạy nghề xây dựng cho 43 thanh niên. Qua đó, đã có 11 thanh niên được tư vấn có việc làm ổn định.
Xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, Huyện đoàn đã thành lập mới và ra mắt 3 tổ hợp tác thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế tại xã Trung Môn, Lực Hành, Tân Long; 9 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế gồm 105 thành viên, bao gồm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, VACR tổng hợp... Huyện đoàn cũng đã tổ chức cho 45 bí thư, phó bí thư các cơ sở đoàn khối xã, thị trấn trong huyện đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập cao từ 400 - 600 triệu đồng/năm tại xã Xuân Vân, chủ yếu là mô hình trồng bưởi, nuôi ong, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Từ đó giúp định hướng cho đoàn viên, thanh niên về cách làm kinh tế; học tập kinh nghiệm để ứng dụng vào sản xuất và phát triển kinh tế tại gia đình, địa phương.
Các cơ sở đoàn còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp đỡ 260 hộ gia đình thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm với tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Luyện, xóm 20, xã Kim Phú bày tỏ, năm 2016, kinh tế gia đình anh bị kiệt quệ vì lợn xuống giá. Bắt đầu từ năm 2017, anh tập trung phát triển lại đàn lợn, trồng ổi và bưởi. Bởi thế, anh bị thiếu vốn đầu tư. Trong năm qua, anh đã được Đoàn thanh niên xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Những nỗ lực của các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện trong giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập của đoàn viên, hội viên và người dân địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết