Đột phá trong công tác đào tạo nghề ở Tuyên Quang

TQĐT - Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước thực hiện đổi mới gắn đào tạo nghề với nhu cầu của xã hội. Mô hình đào tạo nghề kết hợp với đào tạo văn hóa đang trở thành xu hướng được nhiều học viên quan tâm bởi giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo, đồng thời dễ kiếm được việc làm hơn sau khi ra trường. Báo Tuyên Quang trân trọng giới thiệu với bạn đọc những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Bài 1: Đổi mới dạy nghề tại các trung tâm

>>Bài 2: Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang: Cơ sở đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh​

>>Bài cuối: “Đầu ra” sau học nghề

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện. Các trung tâm đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng học nghề của con em các dân tộc trên địa bàn, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa phương. Đặc biệt là việc mở các lớp đào tạo nghề kết hợp với học văn hóa đã mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm được chi phí và thời gian học tập cho học viên. 


Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương liên kết đào tạo
công nhân may cho Công ty TNHH May Long Hà (Sơn Dương). 

“Bình mới,  rượu cũng mới”

Việc sáp nhập, đổi tên các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên như hiện nay được thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho công tác đào tạo nghề gắn với dạy văn hóa. Các trung tâm sau khi được sáp nhập, đổi tên đã có sự điều chỉnh về bộ máy, tổ chức, bảo đảm hài hòa giữa công tác dạy nghề kết hợp dạy văn hóa để đáp ứng được nhu cầu người học trong tình hình mới. 

Tại huyện Sơn Dương, từ năm 2013 sau khi thực hiện sáp nhập giữa Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp thành Trung tâm Dạy nghề huyện, sau đó năm 2017 đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét. So với trước đây, Trung tâm Dạy nghề chỉ thực hiện dạy nghề và hoạt động hướng nghiệp tại các trường THPT. Đến nay, Trung tâm đã song hành đào tạo nghề kết hợp dạy văn hóa. Các học viên ở xa được bố trí chỗ ở tại nhà ở nội trú của Trung tâm. Cùng với đó,  Trung tâm còn thực hiện liên kết với trường Cao đẳng nghề số 1 Bộ Quốc phòng để đào tạo nhiều ngành nghề như: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ hàn... trình độ trung cấp nghề cho các học viên có nhu cầu. Học nghề xong, 100% học viên sẽ được trường Cao đẳng nghề số 1 giới thiệu việc làm. Hiện nay, Trung tâm đang đào tạo 340 học viên vừa học nghề kết hợp học văn hóa, khi học xong được cấp bằng THPT và bằng nghề, nhờ đó giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. 

Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, quá trình sắp xếp, đổi mới hoạt động Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huyện đã huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy nghề, dạy văn hóa tại Trung tâm. Từ đó tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em các dân tộc trên địa bàn đến học nghề. Huyện luôn xác định công tác đào tạo nghề là yếu tố quan trọng giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.


 Lớp học nghề Công nghệ ô tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp -
Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương. 

Huyện Chiêm Hóa cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề sau khi đổi tên Trung tâm Dạy nghề huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đơn vị luôn coi trọng công tác tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, học sinh trung học là yếu tố quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu tuyển sinh mỗi năm học. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh để các em xác định rõ nhu cầu và có sự lựa chọn chính xác nghề nghiệp cho tương lai.

Đồng chí Trần Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa nói, trung bình mỗi năm, Trung tâm đào tạo nghề cho hơn 500 lao động nông thôn và trên 100 học viên trình độ trung cấp nghề. Qua khảo sát, tỷ lệ học viên học nghề xong có việc làm ngay đạt trên 70%. Có được kết quả trên là nhờ công tác đào tạo nghề mở lớp đã dựa trên nhu cầu thực tế của lao động tại địa phương cũng như tìm hiểu thị trường lao động hiện nay, từ đó mới tiến hành liên kết đào tạo ngành nghề để đảm bảo tỷ lệ học viên ra trường có việc làm ổn định.

Có thể nói việc kiện toàn bộ máy, đổi mới hoạt động các Trung tâm Dạy nghề huyện trước đây đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay. Từ đó, giúp các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện từng bước khẳng định uy tín để người dân tin tưởng giao con em đến học tập. 

Những thành quả bước đầu

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện đã thực hiện từ lâu, song đào tạo hệ vừa học nghề kết hợp với học văn hóa mới chỉ thực hiện từ năm 2014 đến nay. Đây là một hướng đi đúng giúp các học viên cùng lúc giải quyết 2 mục đích. Đó là, học viên học xong THCS đăng ký học nghề và học văn hóa, sau khi học xong vừa được cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề, nhờ đó có thể đi làm ngay, góp phần giảm gánh nặng về chi phí học tập cho gia đình. Năm 2018, 6 trung tâm tại các huyện đã đào nghề cho 2.945 học viên, tỷ lệ học viên sau học nghề tìm được việc làm ngày càng được nâng lên.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh hệ đào tạo vừa học nghề vừa học văn hóa. Đến nay, sau 5 khóa tuyển sinh đã có hàng trăm học viên các xã trên địa bàn huyện đến đăng ký học tập, nhiều học viên đã được cấp bằng tốt nghiệp lớp 12 và bằng trung cấp nghề, trong số đó hầu hết đã xin được việc làm ổn định. Em Chu Văn Linh, dân tộc Dao ở thôn Bản Sao, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) tốt nghiệp khóa đầu tiên hệ vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết, sau khi học xong lớp Vận hành máy thi công nền và hoàn thành chương trình THPT em đã xin vào làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Thịnh ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Thu nhập của em được 8,5 triệu đồng/tháng. Việc học nghề kết hợp học văn hóa đã giúp em tiết kiệm được thời gian và kinh phí học tập.

Căn cứ từ nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang trong thời gian qua đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở các lớp dạy nghề phù hợp. Sau khi được dạy nghề, nhiều lao động trên địa bàn đã áp dụng hiệu quả vào thực tế, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Tính từ năm 2011 đến nay, có trên 1.500 lao động nông thôn trên địa bàn huyện được hỗ trợ học nghề với các lớp dạy nghề khác nhau như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy nông nghiệp… Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, Trung tâm không ngừng đổi mới phương pháp dạy nghề, chú trọng dạy nghề theo nhu cầu của người học và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Cùng với đó, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng dạy nghề.

Sau mỗi lớp học nghề được tổ chức, cán bộ Trung tâm đều lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của học viên để rút kinh nghiệm tổ chức các lớp học sau hiệu quả hơn. Em Phùng Sơn Minh, dân tộc Dao, xã Sơn Phú (Na Hang) nói, năm 2016 sau khi hoàn thành chương trình THCS em đăng ký lớp học hệ trung cấp lâm nghiệp kết hợp học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Em rất vui vì mình đã lựa chọn hướng đi đúng bởi chỉ còn vài tháng nữa em sẽ hoàn thành cả 2 nội dung chương trình học tập, từ đó có thể đi xin việc làm ngay để tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong công tác định hướng, phân luồng cho học sinh sau THCS, đồng thời tăng cường công tác liên kết trong đào tạo nghề, đào tạo theo đơn đặt hàng… để từng bước nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm ngay sau khi học xong. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển. 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                Bài, ảnh: Huy Hoàng
                                                                                                                                (còn nữa)

Tin cùng chuyên mục