Giải quyết việc làm từ các doanh nghiệp chế biến gỗ

TQĐT - Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp chế biến gỗ lớn gồm: Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa), Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang cùng với hoạt động của 230 cơ sở chế biến gỗ. Sự có mặt của các doanh nghiệp chế biến gỗ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Lao động làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.  Ảnh: T.Công

Anh Bùi Quang Lưu, Trưởng ngành XEO bột, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa là người ở thôn Đất Đỏ, xã Vĩnh Lợi - địa bàn mà nhà máy đóng trụ sở. Anh Lưu chia sẻ, gia đình anh đông anh em, bố là thương binh hạng 1/4 nên ngay khi nhà máy đi vào hoạt động, anh đã xin vào làm công nhân tại đây. Sau một thời gian làm việc, anh được cử đi học 2 năm tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Hoàn thành khóa học, từ công nhân anh Lưu được bổ nhiệm làm trưởng ngành XEO bột tại nhà máy, mức lương cũng được cải thiện hơn, đạt khoảng 9 triệu đồng/tháng.  

Bùi Quang Lưu chỉ là 1 trong nhiều công nhân đang làm việc tại Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa. Không chỉ là địa chỉ tiêu thụ gỗ của người trồng rừng Tuyên Quang, nhà máy cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động địa phương. Theo anh Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa, ngoài các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, 100% công nhân làm việc trong công ty được hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe lao động toàn diện. Mức thu nhập cũng được cải thiện, từ 4,2 triệu đồng/người/tháng những năm đầu đơn vị mới đi vào hoạt động, giờ đã tăng lên gần 7 triệu đồng/người/tháng. 

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang hiện cũng là doanh nghiệp chế biến gỗ giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong đó riêng nhà máy chế biến gỗ tinh chế tại xã Thái Bình (Yên Sơn) giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động; các nhà máy tại cụm công nghiệp Thắng Quân - Tứ Quận khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho từ 2.300 - 2.500 lao động địa phương. Chị Lương Thị Ly, xóm 18, xã Lang Quán (Yên Sơn) hiện đang làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn đã có 2 năm làm việc tại nhà máy của công ty bên xã Thái Bình. Khi một phần dây chuyền của Nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn đi vào hoạt động, chị được tạo điều kiện chuyển công việc về gần nhà. Chị Ly cho biết, so với làm nông nghiệp, mức thu nhập từ công việc tại nhà máy ổn định hơn, ngoài mức lương gần 5 triệu đồng/tháng và các chế độ bảo hiểm theo quy định, công nhân làm việc tại nhà máy được hỗ trợ tiền ăn ca, sữa uống trong những ngày nắng nóng. 

Công ty cổ phần Thương mại, sản xuất, xuất khẩu Phúc Lâm thuộc Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) góp phần giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động là người địa phương, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Hoàng Thị Như Lương ở thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh đã có gần 10 năm làm việc tại đây, hiện đang làm tại Nhà máy Chế biến đũa gỗ tách xuất khẩu thuộc công ty, đây là một trong những khâu đòi hỏi ở bản thân chị cũng như các anh chị em công nhân tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ làm ra sản phẩm đũa gỗ đạt yêu cầu quy cách để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường có sự đòi hỏi khắt khe về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng sản phẩm. 

Ngoài các doanh nghiệp lớn về chế biến gỗ, Tuyên Quang hiện cũng có hơn 230 cơ sở chế biến lâm sản. Theo Chi cục Kiểm lâm, bình quân mỗi cơ sở chế biến lâm sản giải quyết việc làm cho từ 5 - 7 lao động địa phương. Khi kinh tế lâm nghiệp đang dần trở thành trọng điểm, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thì cơ hội việc làm của người lao động địa phương cũng được mở rộng hơn. Đây là điều kiện để tỉnh hoàn thành các mục tiêu về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại các địa phương, thực hiện hiệu quả tiêu chí thu thập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.  

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục