![]() Gia đình anh Sùng Văn Giáp, thôn Làng Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) nuôi ong mang lại thu nhập ổn định. |
Bên cạnh những ngành nghề truyền thống, những năm trở lại đây, xã đã mở các lớp học nghề về nuôi ong và hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển mô hình. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 200 hộ nuôi ong mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 10 triệu/tháng trở lên. Tiêu biểu như gia đình anh Sùng Văn Giáp, thôn Làng Yểng; anh Ngô Văn Trời, thôn Quân; anh Vũ Xuân Đức, thôn Khuổi Tấu Lìn... Anh Sùng Văn Giáp, thôn Làng Yểng chia sẻ, trước đây gia đình anh trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế rất khó khăn.
Năm 2016, anh đã tham gia lớp dạy nuôi ong do xã tổ chức và được hỗ trợ 4 thùng ong giống. Anh còn được tư vấn làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình. Nhờ chăm chỉ và nắm chắc kỹ thuật nuôi ong, nên sau 2 năm, anh đã nhân đàn lên thành 60 thùng ong. Vào vụ thu, có tháng tiền bán mật được 20 - 30 triệu đồng. So với nghề chăn nuôi khác thì nuôi ong đầu tư ít vốn nhưng đem lại lợi nhuận cao.
Xã có 1.577 hộ, 7.228 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động phù hợp với nhu cầu thực tế có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của bà con, xã đã tập trung đào tạo những ngành nghề thiết thực và phù hợp với nhu cầu của địa phương. 5 năm qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tuyên Quang mở 12 lớp học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 390 học viên; hỗ trợ cho 580 lượt người được vay vốn để phát triển sản xuất. Từ các lớp học nghề, trên 80% học viên đã tự tạo việc làm, vận dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Chị Hứa Thị Tạch, thôn Quân cho biết, gia đình chị có gần 30 sào ruộng. Trước đây chị và nhiều hộ dân trong thôn thường làm theo thói quen, theo kinh nghiệm để bón phân, gieo giống nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi được tập huấn kiến thức về nông nghiệp, chị đã biết cách chọn giống lúa tốt, cách xuống giống, phun thuốc hợp lý, vừa giúp tiết kiệm chi phí, lại cho năng suất cao hơn trước.
Các chương trình đào tạo nghề đã giúp người dân trên địa bàn xã thay đổi nhận thức. Nhiều gia đình đã áp dụng tốt những tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn trước. Nhờ vậy, người dân đã có thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua mỗi năm. Đến nay xã còn 48% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều). Thời gian tới, xã sẽ tập trung khảo sát, điều tra nhu cầu việc làm của người lao động, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp. Đồng thời, quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, giúp người lao động có thu nhập ổn định.
Gửi phản hồi
In bài viết