Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao

- Bệnh lao vốn được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi rất dễ lây nhiễm với nguy cơ tử vong đứng thứ hai trong các bệnh lây truyền. Hàng năm nước ta phát hiện và điều trị hơn 100.000 người mắc lao, tuy nhiên con số tử vong vẫn là gần 12.000 người. Trước tình hình đó, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay đã được chọn là “Việt Nam chiến thắng bệnh lao” với quyết tâm trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

Tại tỉnh ta, hàng năm ngành Y tế tổ chức khám sàng lọc cho trên 15.000 lượt người. Riêng năm 2022 tổ chức khám cho gần 22.000 lượt người với 8.253 trường hợp làm đờm xét nghiệm. Hiện số bệnh nhân lao đang được quản lý và điều trị là 321 người. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bệnh thành công đạt trên 90%. Chương trình Chống lao quốc gia đã được triển khai hiệu quả và đồng bộ từ tuyến tỉnh, huyện đến xã. Mỗi huyện, thành phố đều thành lập 1 tổ chống lao tại trung tâm y tế, 100% trạm y tế các xã, phường, thị trấn có cán bộ phụ trách chương trình chống lao. Qua đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, phân loại, quản lý điều trị bệnh, từ đó ngăn chặn, hạn chế lây lan bệnh lao trong cộng đồng.

Các bác sỹ khám và điều trị bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Bệnh viện Phổi tỉnh là đơn vị đi đầu trong xét nghiệm, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao. Nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị, bệnh viện đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật khó như: mở màng phổi tối thiểu dẫn lưu dịch, khí màng phổi bằng Troca… Đồng thời, đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: máy chụp CT16 dãy, máy siêm âm 4D, hệ thống máy Mornitơ, máy xét nghiệm đờm Gene Xpert cho phép xác định nhanh vi khuẩn lao trong vòng 2 giờ, độ chính xác đạt hơn 99%...

Trong năm 2022 vừa qua, bệnh viện đã phối hợp với Chương trình Chống lao quốc gia và Trại giam Quyết Tiến tổ chức khám sàng lọc bệnh lao cho phạm nhân bằng chụp phim X-quang phổi cho 9.265 đối tượng, làm xét nghiệm đờm với 684 tiêu bản. Bệnh viện cũng phối hợp với Trại tạm giam, Công an tỉnh tổ chức khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn cho cán bộ, chiến sỹ công an tại đơn vị cùng nghi phạm, phạm nhân.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: “Ước tính có khoảng 40% dân số mắc lao tiềm ẩn. Bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và vi khuẩn lao sẽ phát triển ở nhiều cơ quan gây ra các dạng bệnh lao như lao bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp và lao phổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 85%. Người mắc bệnh lao thường có biểu hiện ho kéo dài, khạc đờm, sốt, chán ăn, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, khó thở, đau tức ngực. Nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời bệnh có thể tiến triển xấu, ảnh hưởng lớn đến tính mạng”.

Điển hình như trường hợp chị Hoàng Thị Niến, xã Tân An (Chiêm Hóa) nhập viện ngày 14-11-2022 là ca bệnh lao diễn biến phức tạp. Bệnh nhân được các bác sỹ chẩn đoán suy hô hấp, lao phổi bội nhiễm, tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da toàn thân, cơ thể suy kiệt nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thở máy xâm nhập, dẫn lưu khí màng phổi, thuốc lao, kháng sinh, trợ tim, trợ sức. Sau một thời gian tuân thủ phác đồ điều trị tích cực cùng sự nỗ lực, tận tâm, chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ đến ngày 14-3-2023 bệnh nhân xét nghiệm đờm tại tháng điều trị thứ 6 cho kết quả âm tính và được ra viện.

Để giảm nguy cơ nhiễm lao, ngay từ tháng đầu sau sinh, trẻ sơ sinh phải được tiêm vắc - xin phòng lao BCG nhằm hạn chế mắc bệnh hoặc ngăn chặn bệnh chuyển nặng. Người phát hiện mắc lao cần phải được điều trị càng sớm càng tốt, đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ để hạn chế tình trạng lao kháng thuốc; không khạc nhổ bừa bãi, luôn giữ nhà ở thoáng sạch.

Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao có vai trò quan trọng trong mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp cứu sống hàng nghìn người mỗi năm mà còn góp phần giảm gánh nặng chi phí khám và điều trị bệnh lao cho nhiều bệnh nhân và gia đình. 

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục