![]()
|
Khi lao động thời vụ “lên ngôi”
Những ngày này, nhiều con đường quanh thành phố Tuyên Quang đã tràn ngập sắc xuân. Nét xuân thể hiện rõ nhất là trên tuyến đường Chiến thắng sông Lô hay đường Quang Trung... đâu đâu cũng thấy những người bán, người mua tấp nập cùng lực lượng lao động mùa vụ đông đảo sẵn sàng hỗ trợ người dân khi đến mua sắm. Anh Lê Quang Nam, chủ cửa hàng tạp hóa Nam Nhu ở khu vực dốc số 2 cho biết, đời sống của người dân ngày càng nâng lên kéo theo sức mua ngày càng tăng nên gia đình anh phải thuê thêm 2 người bán hàng trong những ngày giáp Tết, mỗi ngày anh trả từ 250 đến 300 nghìn đồng/người.
Như mọi năm, những ngày giáp Tết, anh Nguyễn Văn Vỹ ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) lại chuẩn bị đồ nghề là chiếc xe máy cũ và chiếc xe ba gác kéo tay để nhận chở đào cho những chủ vườn đào ở phường Nông Tiến hay khu vực bán đào, quất ở đường Chiến thắng sông Lô. Đây là công việc hết sức khó khăn bởi đường ngày Tết đông xe cộ, rất dễ xảy ra va quệt nên khi nhận vận chuyển anh phải hết sức cẩn thận bởi nếu làm hỏng cây thì coi như tiền công cả ngày sẽ đi tong. Anh Vỹ chia sẻ, do có kinh nghiệm vận chuyển nhiều năm nên anh được các chủ vườn và người bán rất tin tưởng. Nhờ đó, anh có việc làm đều và thu nhập tương đối cao, có khi kiếm được gần triệu bạc một ngày nên cái Tết của gia đình được tươm tất hơn.
Không phải đi xa, anh Trần Văn Lộc ở xã Kim Phú (Yên Sơn) lại tìm đến những gia đình trồng nhiều cây ăn quả trong xã để nhận thu hoạch thuê. Anh Lộc bảo, thông thường việc thu hoạch được thực hiện khoán theo diện tích hoặc số kg quả thu hoạch được. Nếu chịu khó làm không nghỉ trưa thì anh có thể thu được từ 300 đến 400 nghìn đồng/ngày. Tính ra chỉ trong nửa tháng, anh đã có vài triệu tiêu Tết nên anh ước không chỉ trong dịp Tết mà trong những ngày thường cũng có công việc như vậy để làm.
![]() Công nhân Công ty TNHH Nhung Bích vệ sinh nhà khách hàng. |
Ước muốn của anh Lộc không phải quá xa vời bởi trên địa bàn tỉnh, những khu vực trồng cây ăn quả trong thời gian qua đang được các địa phương khẩn trương quy hoạch trở thành những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn. Cùng với đó là việc xây dựng, củng cố thương hiệu những loại quả ngon như: Cam sành hay na, bưởi, hồng... đang có những bước chuyển tích cực. Vì vậy, trong tương lai không xa sẽ tạo thêm nhiều việc làm ổn định hơn cho những lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Ổn định thị trường lao động trước và sau Tết
Đời sống được nâng lên, nhiều hộ dân thành phố Tuyên Quang đã quen với việc thuê người giúp việc để lo những công việc như nấu ăn, lau nhà, giặt giũ... cho gia đình. Tuy nhiên, cả năm mới có một cái Tết nên hầu hết người giúp việc đều muốn về nhà dịp cuối năm, họa hoằn lắm mới có trường hợp đồng ý ở lại nhưng mức lương phải tăng gấp đôi, gấp ba. Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Tân Hà nói, cuối năm bận bịu “trăm công nghìn việc” từ việc cơ quan, việc kinh doanh mà người giúp việc không nhận làm thông Tết nên chị rất lo lắng. Vì vậy, chị đang nhờ người quen tìm giúp người làm dù lương trả cao gấp đôi chị cũng vẫn chấp nhận.
Không chỉ những cơ sở kinh doanh nhỏ, hộ gia đình cần lao động trong dịp Tết mà nhu cầu về lao động ở các doanh nghiệp lớn cũng hết sức bức thiết. Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngoài việc lên lịch nghỉ Tết cho cán bộ, công nhân còn bố trí lịch trực, lịch sản xuất một cách phù hợp. Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Nhung Bích ở tổ 13, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, công ty có gần 100 công nhân, nhưng từ cuối tháng 11 âm lịch đến nay liên tục trong tình trạng quá tải bởi nhu cầu dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa của khách hàng tăng gấp nhiều lần. Nhu cầu thì quá lớn trong khi không thể tuyển dụng thêm bởi công việc cần sự chuyên nghiệp phải qua đào tạo cơ bản mới đảm bảo chất lượng dịch vụ và giữ được uy tín đối với khách hàng.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì trong khoảng 2 tháng trước Tết, Trung tâm đã tiếp nhập hồ sơ xin và tư vấn việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Trung tâm cũng đã cập nhật thường xuyên các thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin về lao động, việc làm tại các trang thông tin điện tử như: vltuyenquang.vieclamvietnam.gov.vn; vieclamtuyenquang.net hoặc đến trực tiếp trụ sở của Trung tâm tại tổ 19 phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) để được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp.
Năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 24.740 lao động, đạt 123,7% kế hoạch năm. Song công tác giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn còn gặp phải không ít khó khăn như: Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao (chiếm 45,4%), nhiều lao động ngại thay đổi, ngại đi xa để kiếm việc làm... Điều đó cho thấy, việc giải quyết việc làm cho lao động gắn với nâng cao chất lượng lao động đang là vấn đề quan trọng được tỉnh quan tâm thực hiện. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lưu ý các đơn vị, các địa phương tiến hành rà soát tình hình lao động trên địa bàn để tổ chức công tác tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề cho phù hợp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đào tạo phải gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, có những giải pháp cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu lao động trong dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán 2019.
Có thể nói, với việc duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, chắc chắn công tác giải quyết việc làm cho người lao động sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Từ đó, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết