![]() Cửa hàng kinh doanh đồ phong thủy của chị Nguyễn Thanh Vân, 28 tuổi, tổ 21, phường Hưng Thành (TP. Tuyên Quang) cho thu nhập mỗi tháng từ 20 - 30 triệu đồng. Ảnh: Lê Thùy |
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, trong năm 2018, thành phố đã tạo việc làm cho 3.170 lao động, đạt 130,5% kế hoạch năm. Trong đó, số lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước là 687 người; số lao động đi xuất khẩu lao động là 52 người; số lao động được giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế là 2.431 người.
Người lao động được tạo việc làm mới chủ yếu trong độ tuổi thanh niên. Phòng cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sàn giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động. Kết quả, đã có 25 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các trường tham gia tuyển dụng lao động và tuyển sinh học nghề; trên 1.000 lao động đến để tìm kiếm thông tin về việc làm và nhận được tư vấn, 100 người đã được tuyển dụng trực tiếp, số người được hẹn phỏng vấn sau là 200 người. Trong năm cũng đã tổ chức được 3 lớp dạy nghề cho 105 học viên tham gia.
Tuy vậy, tỷ lệ thanh niên có việc làm ổn định, thu nhập tốt, nhất là thanh niên ở khu vực ngoại thành vẫn chưa cao. Có rất nhiều nguyên nhân như: Nhiều thanh niên còn hạn chế về nhận thức và tinh thần chủ động lập nghiệp; một số sinh viên sau khi tốt nghiệp, mặc dù có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tiễn, còn ngại khó, ngại khổ nên không đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp…
Để khắc phục tình trạng trên, Thành đoàn Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm và khởi nghiệp thành công. Trong năm 2019, Thành đoàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đến năm 2020; phối hợp tổ chức đào tạo, tư vấn nghề nghiệp, việc làm, cung cấp thông tin về lao động, việc làm và thị trường lao động cho thanh niên; tư vấn, hướng nghiệp từ bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông góp phần thực hiện công tác phân luồng học sinh; hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế...
Thành đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc tăng cường công tác định hướng, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên. Hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý tại các cơ sở Đoàn trực thuộc được triển khai hiệu quả. Hiện nay, Thành đoàn quản lý 43 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng; phối hợp, duy trì hiệu quả hoạt động của 99 mô hình kinh tế, 3 hợp tác xã và 13 câu lạc bộ phát triển kinh tế trên địa bàn. Ban Thường vụ Thành đoàn tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn để tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên trong chăn nuôi, sản xuất.
Đồng thời, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Trong năm 2018, từ nguồn xã hội hóa, Thành đoàn đã hỗ trợ 1 đoàn viên là anh Đặng Văn Bốn, xã Thái Long vay 40 triệu đồng không thế chấp, không lãi suất để đầu tư mô hình trồng chanh tứ thì gồm thiết kế vườn, hệ thống nước tưới, kỹ thuật chăm sóc, toàn bộ đầu ra sản phẩm và 50% tiền giống năm đầu tiên. Anh Bốn cho biết, anh được Đoàn thanh niên đồng hành với mô hình trong suốt thời gian xây dựng. Anh tin rằng với sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn và sự nỗ lực của bản thân, mô hình trồng chanh tứ thì của anh sẽ mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Được sự hỗ trợ của Thành đoàn, trên địa bàn thành phố đã có nhiều đoàn viên thanh niên khởi nghiệp thành công với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản và lấy nhung của anh Quan Văn Tiệp (phường Tân Hà); mô hình trồng cam Vinh của chị Lê Thị Hương (xã Lưỡng Vượng)…
Trong thời gian tới, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho thanh niên.
Gửi phản hồi
In bài viết