Lạm dụng thuốc giảm đau: Lợi ít, hại nhiều

Sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên bằng cách tiêm hoặc uống có thể gây ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe mỗi người.

Đa số các nhóm thuốc giảm đau đều có những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và thận.

Lợi bất cập hại

Đau đầu là triệu chứng thường gặp ở nhiều người. Khi bị đau đầu, họ lạm dụng thuốc giảm đau để cắt nhanh cơn đau mà không biết rằng như thế có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, gần đây chị thường xuyên bị đau đầu. Những cơn đau lặp đi lặp lại khiến chất lượng công việc và trí nhớ giảm sút. Cứ mỗi lần đau đầu, chị Ngọc lại tự mua thuốc giảm đau để uống. Tình trạng đau giảm đi một thời gian ngắn trong ngày. Tuy nhiên, khi hết thuốc, cơn đau lại tái diễn, kéo dài hơn, có khi chị phải uống thuốc liên tục từ nửa tháng đến một tháng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay, thuốc giảm đau như Ibuprofen, Aspirin và Naproxen gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Điều này có thể dẫn đến loét và chảy máu từ các vết loét đã có từ trước. Những người bị tiểu đường, bệnh thận và cao huyết áp có thể bị tổn thương thận và suy thận sau khi dùng thuốc giảm đau.

Với những bệnh nhân xương khớp, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau cũng đang diễn ra trầm trọng. Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp biến chứng bàn tay, cổ tay do tiêm thuốc giảm đau khi điều trị đau khớp.

Mới đây, ông Vương Văn T. (68 tuổi, trú ở Quảng Ninh) phải nhập viện trong tình trạng viêm mủ bao hoạt dịch quay, viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay sau khi tiêm corticoid giảm đau. Theo ông T., cách nay 2 năm, ông bị đau khớp nên đã đến phòng khám tư để chữa trị. Sau 2 lần tiêm thuốc trực tiếp vào khớp, cơn đau đỡ hẳn, song đến mũi tiêm thứ 3 thì ông không thể đi lại được vì khớp chân sưng phù.

Tương tự, anh Đỗ Văn P. (40 tuổi, ở Nam Định) bị nhiễm trùng bàn tay phải. Cách đây 10 tháng, anh P. bị tai nạn lao động, bị chấn thương mặt và cẳng tay. Anh đã đi tiêm thuốc giảm đau nhưng sau khi tiêm, cơ thể xuất hiện vết loét và dịch vàng ở chỗ tiêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm khoa Nội - Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện nay, không ít người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả. Tiêm corticoid vào khớp là một trong số biện pháp cho tác dụng giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng từ vài tuần tới vài tháng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp. Chính vì vậy, phương pháp này bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. “Thực tế, có không ít trường hợp lạm dụng việc tiêm vào khớp nhưng sau đó bị các biến chứng không hồi phục như teo cơ, loãng xương, suy tuyến thượng thận, mất chức năng vận động, tàn phế..." - PGS.TS Châu cảnh báo.

Không lạm dụng thuốc giảm đau

Các chuyên gia y tế cảnh báo, khi dùng thuốc giảm đau quá thường xuyên hoặc nhiều hơn liều khuyến cáo, cơ thể sẽ quen với thuốc, lờn thuốc. Hậu quả là cơn đau ngày càng tồi tệ hoặc xuất hiện nhiều hơn, khiến người bệnh thường phải dùng liều cao hơn. Với bệnh nhân đau đầu, vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra gồm đau đầu - uống thuốc giảm đau - đau đầu nhiều hơn - uống thuốc nhiều hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, lạm dụng thuốc giảm đau khi đau có thể làm mờ đi các triệu chứng nặng, khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám. Ví dụ, đau đầu nặng với các triệu chứng điển hình như cơn đau đến nhanh, buồn nôn, gặp khó khăn trong việc chọn từ để nói, đau đầu kèm cảm giác tê mỏi chân tay, cử động khó, đau tăng khi ho hay tập luyện... có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ hoặc bệnh u não, viêm màng não... Nếu người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau, các triệu chứng nguy hiểm sẽ không được thể hiện rõ, gây khó khăn cho việc thăm khám.

Thuốc giảm đau chỉ giúp chữa hoặc giảm triệu chứng chứ không chữa được nguyên nhân gây bệnh. Muốn điều trị đau triệt để, cần xác định chính xác nguyên nhân. Do đó, khi cơn đau thường xuyên diễn ra, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn tới các biến chứng, nếu người bệnh tiêm ở những cơ sở y tế không đảm bảo yêu cầu và kỹ thuật tốt có thể gây biến chứng rất nặng.

Người dân chỉ dùng thuốc theo đúng đơn bác sĩ, cần đi khám lại khi có cơn đau, không tự dùng lại đơn thuốc cũ. Khi bác sĩ kê đơn liên quan tới thuốc giảm đau, người bệnh cần chú ý khai báo tiền sử bệnh tật, cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để các bác sĩ chọn thuốc phù hợp, tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp. Khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn hoặc đau bụng dữ dội, nôn ói... thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục