Ngành Y tế còn nhiều việc phải làm

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở các cơ sở y tế còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả cao nhất.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa lấy số khám tự động cho người bệnh.    

Tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh hiện đã triển khai chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh. Trong đó, hệ thống thanh toán bảo hiểm y tế đã được triển khai tại 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tỉnh đến huyện và xã; các cơ sở y tế đã sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh để thay cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy hoặc sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với các đơn vị y tế tuyến trên triển khai tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức hội nghị trực tuyến trong ngành Y tế (có trên 90% các hội nghị, hội thảo, tập huấn do Sở Y tế tổ chức áp dụng hình thức trực tuyến).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, các đơn vị y tế còn gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu tư cho hệ thống trang thiết bị lớn trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp; đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin thiếu, năng lực chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt là tuyến huyện đa số mới ra trường, thời gian công tác không nhiều, thiếu kinh nghiệm và không chuyên sâu về công nghệ; hạ tầng cơ sở nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở chưa đảm bảo cho việc triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số...

Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sỹ Tạ Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi trong thực hiện việc chuyển đổi số đó là về con người; trang thiết bị phục vụ nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh còn hạn chế. Đặc biệt là tại các trạm y tế xã, nhiều máy móc được đầu tư 6 - 7 năm chưa thay đổi, vì vậy khi đưa các phần mềm mới vào sử dụng không đồng bộ”.

Cũng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, bác sỹ Trần Tuấn Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang cho biết: “Theo lộ trình, từ năm 2025 trung tâm sẽ thực hiện bệnh án điện tử, nhưng hiện nay đơn vị đang gặp khó về việc mua sắm các trang thiết bị, cán bộ để thực hiện.

Cũng từ năm sau, đơn vị sẽ thực hiện đơn thuốc điện tử, kê toa thuốc điện tử. Để thực hiện được, các bác sỹ phải có chữ ký số. Tuy nhiên, với số lượng bác sỹ khá đông, phần kinh phí để thực hiện chữ ký số cho từng người cũng không nhỏ. Về việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi cũng liên kết ngân hàng để thực hiện, nhưng đến nay số bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đến thanh toán bằng hình thức này rất ít. Bởi người dân vẫn quen việc sử dụng tiền mặt khi thanh toán, mua sắm…”.

Dược sỹ Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ triển khai một số giải pháp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân, người bệnh; trực tiếp cử cán bộ chuyên môn đến các cơ sở y tế cầm tay chỉ việc để không còn đơn vị nào kêu khó. Hàng năm chủ động có kế hoạch tập huấn kiến thức nâng cao trình độ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai có hiệu quả các dự án về chuyển đổi số.                  

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục