Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

- Mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng gây tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số. Để từng bước kiểm soát tình trạng này, ngành dân số Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Xã Sơn Nam (Sơn Dương) 5 năm trước đây là nơi có mức sinh cao, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức 116 bé trai/100 bé gái. Từ năm 2016, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai tại xã đã mang lại hiệu quả tích cực. Số hộ sinh con thứ 3 giảm qua mỗi năm, tỷ số giới tính khi sinh cũng giảm đáng kể, hiện ở mức 113 bé trai/100 bé gái. Xã giờ đây là điểm sáng trong công tác dân số - KHHGĐ.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Trưởng trạm y tế xã cho biết, để tuyên truyền chính sách dân số hiệu quả, chị phân công y tế thôn bản nắm rõ từng hộ, tập trung vào những hộ sinh con một bề là gái để thường xuyên tuyên truyền. Đồng thời vận động các gia đình tham gia sinh hoạt CLB như: gia đình hạnh phúc, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khi đến khám tại Trạm đều được tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai...

Cán bộ Phòng khám Đa khoa khu vực Tháng 10, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) tuyên truyền hệ lụy 
của mất cân bằng giới tính khi sinh cho phụ nữ xã.

Quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, đặc biệt là với những người đứng đầu trong các gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các buổi tuyên truyền ở cơ sở, qua loa truyền thanh, sinh hoạt tại các CLB, dần dần trong nhiều dòng họ, tư tưởng này không còn nặng nề như trước. Như dòng họ Phạm ở thôn Ngòi, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) từ nhiều năm nay luôn vận động con cháu thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Hàng năm, dòng họ tổ chức ký cam kết không sinh con thứ ba trở lên, không lựa chọn giới tính thai nhi tới từng hộ.

Ông Phạm Đức Toàn, trưởng dòng họ Phạm cho hay, nhiều cặp vợ chồng đã sinh hai con một bề là gái nhưng nhiều khi chịu sức ép từ ông bà, cha mẹ nên sinh thêm với mong muốn có con trai. Do đó, nếu suy nghĩ của các thế hệ đi trước cởi mở thì thế hệ con cháu cũng giảm bớt áp lực về vấn đề này. Bởi vậy, trong các dịp gặp mặt, ông lựa theo từng chủ đề họp để lồng ghép tuyên truyền hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính, kể những điển hình về các gia đình sinh con một bề là gái nuôi dạy con tốt, kinh tế phát triển. Dòng họ luôn đối xử bình đẳng, không phân biệt trai gái trong bất kỳ việc gì. Nhờ vậy, hơn 10 năm qua, trong dòng họ không có người sinh con thứ ba, đời sống các hộ từ khá trở lên.

Cùng với các hoạt động truyền thông ở cơ sở, ngành dân số cũng tăng cường tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên. 5 năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp tổ chức 46 buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên cho hơn 32.245 học sinh các trường THCS, THPT; tổ chức 6 buổi ngoại khóa tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và mất cân bằng giới tính khi sinh cho 2.550 đoàn viên, thanh niên, học sinh một số trường và đoàn thanh niên xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Em Hà Hữu Bách, Đoàn thanh niên phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) nói, qua tư vấn, em nhận thấy việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn là rất cần thiết. Đặc biệt, khi hiểu rõ về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh em đã thay đổi suy nghĩ trong việc phải nhất định có con trai, miễn sao mình nuôi dạy con tốt.

Sau 5 năm thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn (2016 - 2025) tại 7 huyện, thành phố với 138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có 10.183 buổi tuyên truyền nhóm nhỏ tại thôn, tổ dân phố với trên 266.748 lượt người tham dự.

Tuyên Quang đã bước đầu khống chế được tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, từ 115,5 bé trai/100 bé gái năm 2016 giảm xuống còn 111,6 bé trai/100 bé gái năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng (năm 2020 số trẻ là con thứ 3 trở lên là 1.843 trẻ, tăng 696 trẻ so với năm 2016). Bà Lê Phương Anh, Phó trưởng Phòng Dân số - KHHGĐ và Truyền thông giáo dục, Chi cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, dù đã có nhiều giải pháp được triển khai song điều cốt lõi vẫn là quan niệm “trọng nam, khinh nữ” ở một số gia đình. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp cung cấp dịch vụ, phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới ngành sẽ tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp trong truyền thông và các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế. 

Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới khi sinh, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân và chính những người thân trong gia đình.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục