Nêu gương cần thiết cả trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội, đặc biệt là trong các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị. Nêu gương có ý nghĩa không chỉ trong việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, xây dựng đạo đức mà còn tác động đến hoạt động cụ thể, tăng uy tín cho bản thân người nêu gương, tăng khả năng thuyết phục ở những người noi theo. Nêu gương dễ tạo ra sức lan tỏa, tác động bởi nó đi vào tình cảm, nhận thức để trở thành tự giác ở những người xung quanh mà không phải qua mệnh lệnh, áp đặt.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng và tự giác thực hiện nghiêm túc, trong đó sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Đó là sự nêu gương về lời nói đi đôi với việc làm; đó là sự gương mẫu trong đạo đức lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; quyết tâm chống các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ và trong đời sống xã hội. Đó là sự gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, lắng nghe, giải quyết kịp thời những bức xúc nảy sinh trong nhân dân. Đó là sự luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của một công dân, của một cán bộ, công chức, một đảng viên trong cuộc sống, sinh hoạt và các hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết