Có người đến chùa tham gia lễ cầu siêu, phóng sinh, làm phúc... cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc thọ, hóa giải nghiệp chướng. Có người lại chuẩn bị mâm lễ đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ đến những người đã khuất, hoặc nấu bữa cơm ngon để cả gia đình quây quần, đoàn tụ.
Mùa Vu lan báo hiếu (tháng 7 âm lịch) năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các chùa chiền, cơ sở thờ tự tổ chức các nghi lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến, tránh tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên đây là việc rất khó bởi vì theo thói quen, nhiều người vẫn lên chùa dâng lễ, do vậy việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Trong đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa Phật giáo của người Việt Nam luôn đề cao vai trò của chữ “hiếu”. những câu ca “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, vẫn được lưu truyền từ bao đời nay như là bài học đạo đức để răn dạy con cháu. Và việc báo hiếu cho cha mẹ không chỉ ở một lễ Vu lan mà là bổn phận, là trách nhiệm, là đạo lý mà mỗi người làm con phải ghi nhớ suốt đời.
Dân gian cũng có câu “Thờ cha, kính mẹ chính là chân tu” và tháng 7 âm lịch không chỉ là quãng thời gian nhắc nhở mỗi con người kỹ hơn về đạo hiếu mà còn là dịp hướng về nguồn cội, tri ân những người đã có công với đất nước, với dân tộc. Mùa Vu lan năm nay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc bày tỏ tấm lòng biết ơn như thế nào không phụ thuộc vào việc đến chùa làm lễ to, lễ nhỏ. Mà là cách chúng ta tưởng nhớ trong trách nhiệm chung với cộng đồng để cùng phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, vì sự bình an của mỗi người, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết