Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU phát biểu chỉ đạo.
Ngày 14-7, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025, chủ trì kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình tại Sở Du lịch. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.
Tổng thu từ du lịch tăng 74,3%
Theo Sở Du lịch, sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi ấn tượng, đạt nhiều kết tích cực. Sáu tháng đầu năm 2023, tổng số du khách đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, du khách quốc tế ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, cùng với việc triển khai chính sách mở cửa, ngành Du lịch Thủ đô tập trung thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang lại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho du lịch Hà Nội, như: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022”; Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, Top 10 thành phố hàng đầu châu Á...
“Cũng trong thời gian này, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bảo đảm phát huy hiệu quả, phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, một số chỉ tiêu phát triển du lịch tại quy hoạch đã đạt và vượt. Ngành tăng cường mở rộng thị trường, kết nối trong nước và quốc tế xây dựng, phát triển các loại hình du lịch văn hóa cũng như tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến giới thiệu điểm đến nhằm quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa và các loại hình du lịch thế mạnh của Thủ đô”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Xây dựng sản phẩm đặc sắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Thủ đô còn nhiều tồn tại, thể hiện ở việc cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đặc biệt là cơ sở lưu trú chất lượng cao, chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Còn thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch đêm chất lượng, đi kèm dịch vụ phụ trợ đa dạng, hấp dẫn; chưa tạo dựng được các sự kiện văn hóa - du lịch, thể thao - du lịch có tính chất định kỳ, thường niên. Công tác xúc tiến quảng bá chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chất lượng và số lượng nhân lực du lịch chưa theo kịp tốc độ phát triển của Du lịch Thủ đô, đặc biệt là chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại điểm còn hạn chế. Hạ tầng giao thông dù đã được cải thiện tương đối, song vấn đề tắc đường, quy hoạch bến bãi đỗ xe vẫn chưa được giải quyết.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, những khó khăn hiện có trong ngành là khó khăn chung, trong đó nhiều vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Trước mắt, để triển khai hiệu quả Chương trình 06/Ctr-TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, ngành Du lịch Thủ đô cần xác định một chiến lược dài hơi với trọng tâm nhiệm vụ là phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; chú trọng khai thác giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng, hiệu quả...
“Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương lên phương án, đề xuất UBND thành phố giao nhiệm vụ, bố trí ngân sách xây dựng chuyên trang điện tử về du lịch; xây dựng kênh truyền hình quảng bá cho du lịch văn hóa trên sóng truyền hình hà Nội… làm cơ sở đẩy mạnh chất lượng thông tin tuyên truyền về du lịch Thủ Đô; có kế hoạch, phương án khai thác hiệu quả các công trình công cộng, công viên, vườn hoa… sau đầu tư, gắn với các nội dung về công nghiệp văn hóa, sản phẩm sáng tạo; nghiên cứu xây dựng đề án khai thác điểm đến tại 6 nhà hát của thành phố với các chương trình trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn, giàu bản sắc…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Xây dựng quy hoạch dài hơi
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU khẳng định: Ngành Du lịch Thủ đô đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện chương trình, nghị quyết của Thành ủy, góp phần tích cực vào chuyển dịch kinh tế của thành phố. Phát huy hơn nữa kết quả đạt được trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ đạo, cần tập trung cho nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bởi đây là quy hoạch chuyên ngành, rất đặc thù, cần có tầm nhìn dài hơi với tính dự báo tốt, cách làm mạnh dạn hơn. Chẳng hạn như loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hiện đã hình thành một vài mô hình, nếu không chú ý đặt quy hoạch từ giờ, trong tương lai sẽ khó bật lên được.
Trước mắt, cần chú trọng tham mưu cho thành phố 3 nhóm chính sách phục vụ phát triển du lịch. Thứ nhất là cơ chế, chính sách để phát triển du lịch cộng đồng, các điểm đến gắn với làng, xã. Thứ hai là chính sách thu hút đầu tư cho các khu lưu trú đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện tầm cỡ. Thứ ba là chính sách để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quốc gia, quốc tế mang tính thường niên… để Hà Nội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gắn với các sự kiện tầm vóc hằng tháng, hằng quý, trên lộ trình xây dựng “Thành phố toàn cầu”; “Thành phố sáng tạo”… Bên cạnh thúc đẩy truyền thông trong nước, cần chú trọng đến truyền thông quốc tế, xác định thị trường để tập trung đầu tư.
Phó Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng giải thưởng về du lịch của thành phố, vinh danh doanh nghiệp du lịch hiệu quả, sản phẩm cộng đồng chất lượng hay ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực du lịch…
Gửi phản hồi
In bài viết