Xác định tiêu chí cụ thể về công nghệ số chiến lược

Đại biểu Quốc hội đề xuất định nghĩa công nghệ số chiến lược với các tiêu chí cụ thể để tạo minh bạch, thống nhất trong quản lý và ưu đãi, làm cơ sở xác định đầu tư công, nghiên cứu trọng điểm, đào tạo nhân lực và thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Chiều 9/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Về định nghĩa công nghệ số chiến lược, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) dẫn khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định công nghệ số chiến lược là một loại công nghệ chiến lược, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh, an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Xác định tiêu chí cụ thể về công nghệ số chiến lược ảnh 1

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh). (Ảnh: DUY LINH)

Trong đó bao gồm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường, bán dẫn và các công nghệ số chiến lược khác.

Đại biểu cho rằng, việc liệt kê mở dễ dẫn đến mâu thuẫn khi xác định chính sách ưu đãi không rõ căn cứ pháp lý để xác định chiến lược, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi áp dụng, đặc biệt trong xét duyệt dự án sandbox, phân bổ nguồn lực.

Do vậy, đại biểu Bình đề xuất thay định nghĩa trên bằng một định nghĩa có tiêu chí cụ thể để tạo minh bạch, thống nhất trong quản lý và ưu đãi, làm cơ sở xác định đầu tư công, nghiên cứu trọng điểm, đào tạo nhân lực và thử nghiệm sandbox.

Theo đó, công nghệ số chiến lược là công nghệ có tính nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc tế, tốc độ đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Việc xác định danh mục công nghệ số chiến lược được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ và căn cứ các tiêu chí như mức độ ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, khả năng tạo đột phá về năng suất, hiệu quả, khả năng ứng dụng rộng rãi trong xã hội và nền kinh tế số, tác động đến quyền số và an ninh dữ liệu quốc gia.

Xác định tiêu chí cụ thể về công nghệ số chiến lược ảnh 2

Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 9/5. (Ảnh: DUY LINH)

Một nội dung khác cũng được đại biểu Đoàn Trà Vinh đề cập là về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox. Theo đại biểu Bình, Điều 51 quy định khung pháp lý cho sandbox nhưng chưa xác định rõ tiêu chí lựa chọn sản phẩm, dịch vụ được phép thử nghiệm. Thiếu minh bạch có thể dẫn đến tình trạng xét duyệt tùy nghi hoặc lạm dụng chính sách, miễn trừ trách nhiệm.

Đại biểu đề xuất bổ sung thêm 1 khoản riêng tại Điều 51 hoặc nghị định hướng dẫn về bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm dịch vụ đủ điều kiện thử nghiệm. Thí dụ, có yếu tố công nghệ mới tích hợp đa công nghệ chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ, có tiềm năng giải quyết bài toán thực tiễn trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công hoặc năng suất doanh nghiệp, có phương án kiểm soát rủi ro rõ ràng về an toàn dữ liệu, quyền riêng tư, quyền lợi người tiêu dùng, không vi phạm quy định về quốc phòng, an ninh, đạo đức xã hội.

“Việc bổ sung này sẽ bảo đảm sự minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm căn cứ đánh giá rủi ro, cấp phép thử nghiệm một cách có trách nhiệm”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục