Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: Hỗ trợ mở rộng thị trường

- Tuyên Quang hiện đã có 79 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hàng trăm sản phẩm “tiền” OCOP. Tính đến 31-12-2021, dự kiến sẽ có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng. Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2021, Sở Công thương đã hoàn thành chỉ xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) trong tháng 11.

khách hàng lựa chọn sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng Gold Mart,
tổ dân phố Cơ quan, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương).

Cửa hàng Gold Mart nằm trên trục đường Quốc lộ 2C thuộc tổ dân phố Cơ quan thu hút hàng trăm lượt mua sắm mỗi ngày. Trong cửa hàng rộng 500 m2 bày bán khoảng 11.000 mặt hàng các loại song vẫn để dành một vị trí bắt mắt nhất để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Hiện nay, tại điểm bán hàng đang được bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang, như: dầu ăn Trường Thịnh, xã Trường Sinh; trà cà gai leo Hợp Hòa, xã Hợp Hòa; bột sắn dây Thục Sơn SD, thị trấn Sơn Dương; tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát, xã Cấp Tiến; chè Trung Long, xã Trung Yên;... Bên gian đông lạnh là mặt hàng nấm đùi gà, dưa chuột bao tử của công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, xã Kháng Nhật.

Anh Nguyễn Tiến Lâm, quản lý cửa hàng Gold Mart cho biết: “Số lượng mặt hàng OCOP tuy chưa nhiều song cũng thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm. Chúng tôi cũng yêu cầu quán triệt đến nhân viên, đây là những sản phẩm của địa phương và phải có trách nhiệm chia sẻ, giới thiệu, chỉ dẫn cho mọi khách đến cửa hàng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, mục tiêu trọng tâm của cửa hàng là kết nối sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh để đáp ứng tốt hơn thị hiếu của khách hàng”.

Chị Đỗ Thị Thao, khách hàng, tổ dân phố Tân Phúc cho biết, chị rất quan tâm đến sức khỏe của gia đình nên thường chọn những mặt hàng nông sản có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng để yên tâm rằng sản phẩm đó đảm bảo chất lượng. Khi được giới thiệu về các sản phẩm OCOP của chính địa phương mình, chị cũng rất bất ngờ về bao bì sản phẩm chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng ngay từ cái nhìn đầu tiên, giá thành hợp lý. Qua trải nghiệm các sản phẩm, chị cũng ngạc nhiên vì chất lượng sản phẩm tốt, không thua kém bất cứ nhãn hiệu nổi tiếng khác mà chị biết trước đó. “Tết này, tôi sẽ mua các sản phẩm OCOP để làm quà tặng cho người thân, bạn bè” - chị Thao bày tỏ.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Công thương đã xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, tháng 5-2020, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng Tâm Hương, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang) đi vào hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa. Điều đó được chứng minh qua những kết nối giữa người tiêu dùng với đơn vị sản xuất và khối lượng sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ tại các cửa hàng.

Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương, chủ cửa hàng Tâm Hương cho biết, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, cửa hàng đã kết nối từ vài chục sản phẩm lên đến hàng trăm sản phẩm OCOP. Hiện nay, cửa hàng đã mở thêm một chi nhánh. Doanh thu của 2 cửa hàng đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm; lợi nhuận ước đạt trên 200 triệu đồng. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 6 nhân viên với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, đến nay, cửa hàng đã kết nối thêm 6 thành viên để thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương với nhiều ngành nghề, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, để nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu, phối hợp hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, riêng năm 2022, xây dựng mỗi huyện một điểm, thành phố Tuyên Quang 3 điểm và 1 điểm tại thành phố Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. 

 Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục