Đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là "điểm sáng" ở khu vực. Nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo và chủ động hơn. Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước dù kinh tế thế giới còn trong giai đoạn khó khăn. Trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc kỷ lục mới hơn 800 tỷ USD; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới; đón hơn 17,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng gần 40 % so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn với các đối tác, nhà đầu tư và du khách nước ngoài. Trước những biến động lớn trên thế giới, quốc phòng - an ninh -đối ngoại đã thực sự hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế. Tại các tổ chức mà Việt Nam đang đảm nhiệm các trọng trách như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và 6/7 cơ chế điều hành quan trọng của UNESCO, Việt Nam đã phát huy hình ảnh và tiếng nói có trách nhiệm với cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, hài hòa. Cùng với đó là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề chung toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…
Thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao từ sự cộng hưởng hiệu quả của các mảng công tác đối ngoại như thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Ngoại giao đã góp phần vận động thành công UNESCO ghi danh thêm 6 danh hiệu và di sản, nâng tổng số danh hiệu UNESCO lên 71, tạo một nguồn lực mới cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương một cách bền vững. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước với gần 6 triệu đồng bào ở nước ngoài, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước…
Tại hội nghị các đại biểu thảo luận giải pháp phát triển ngoại giao năm 2025 lên một tầm cao mới, có nhiều đột phát chiến lược.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và ghi nhận những thành tựu của ngành Ngoại giao trong năm 2024, đồng thời nhấn mạnh, năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước, ngành Ngoại giao. Năm 2025 cũng là năm quan trọng, có nhiều dấu mốc lớn trong đối ngoại đa phương như 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, 80 năm thành lập Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng khẳng định, tiếp đà đóng góp của Việt Nam cho các vấn đề chung của thế giới, công tác đối ngoại đa phương sẽ tập trung vào việc chuẩn bị, tổ chức tốt các sự kiện Việt Nam đăng cai. Đồng thời Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các tổ chức, cơ quan đa phương. Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi các cấp, các ngành cần chung sức quyết tâm, nỗ lực xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao ngày càng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết