Theo báo cáo, năm 2020-2021, lượng khách quốc tế giảm 80-90% (10-20% lượng khách còn lại chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách, bước sang năm 2021, lượng khách gần như "đóng băng". Cả nước có khoảng 40 nghìn doanh nghiệp du lịch nhưng hiện chỉ còn 5-10% còn hoạt động.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa du lịch bảo đảm an toàn là điều nên làm ngay để nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, người đi du lịch không chỉ mong chờ vào việc giảm giá mà vấn đề là họ đi có an toàn không, có được hưởng thụ giá trị dịch vụ phù hợp tiêu chí mới không. "Khái niệm kích cầu của giai đoạn này đã khác trước rất nhiều. Chúng ta phải có những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, quan tâm đến sự an toàn dành cho khách", ông Vũ Thế Bình nói.
Về việc này, đại diện cho các doanh nghiệp du lịch, ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Onsen Fuji, cho biết, đơn vị đang tập trung cho mô hình nghỉ dưỡng ven đô, bởi đây sẽ là xu hướng du lịch phát triển mạnh. Hiện đơn vị đang khảo sát và đánh giá tiềm năng một số nguồn suối khoáng gần Hà Nội có thể đầu tư phát triển như tại Ba Vì, Phú Thọ...
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing VietJet cho rằng, hàng không và du lịch gắn bó mật thiết với nhau, cùng tương hỗ để phát triển. Tới đây, Vietjet xây dựng sản phẩm liên quan tới sức khỏe như các gói bảo hiểm.
Bàn thêm về các giải pháp để khởi động lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tới đây, Hiệp hội sẽ đưa nội dung mở cửa an toàn thành chủ đề chính tại Hội chợ du lịch quốc tế (VITM) 2021.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thông tin thêm, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, có cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trong cả nước, trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp: Đảm bảo an toàn với khách du lịch; đa dạng hóa sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới; tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch, mở lại du lịch trên các nền tảng số; hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách.
"Tới đây, chúng tôi tiếp tục tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người lao động", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Gửi phản hồi
In bài viết