Xem xét ngừng xuất khẩu để tăng nguồn cung phân bón phục vụ trong nước

Theo Cục Bảo vệ thực vật, nhu cầu phân bón DAP, MAP của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn/năm, ba nhà máy sản xuất trong nước có công suất 710.000 tấn/năm nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.


Ảnh: minh hoạ (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Trước tình hình giá phân bón tăng mạnh trong 3 tháng qua, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón trong cuộc họp với Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam và lãnh đạo 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP, MAP vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Trung đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP và cho biết sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất. 

Ông Trung cho biết thêm: để thực hiện đúng các quy định quản lý nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cùng với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thuế tự vệ đối với phân bón. Thực tế hiện nay giá sản xuất phân bón DAP, MAP trong nước đang rẻ hơn so với phân bón nhập khẩu rất nhiều. 

"Chúng ta nhìn thấy rõ lợi ích của thuế tự vệ này mang lại là cơ hội để nâng cao năng lực của các nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam, qua đó giúp chủ động nguồn cung phân bón, một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất trong nước" - ông Trung khẳng định.

Theo ông Trung, không có lý gì các nhà máy sản xuất trong nước chúng ta làm được mà không bảo vệ. Nhu cầu phân bón DAP, MAP của Việt Nam xung quanh 1 triệu tấn/năm, trong đó ba nhà máy trong nước công suất 710.000 tấn nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một  thành viên DAP Vinachem cho biết trong năm 2021, công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 240.000 tấn phân bón và nếu trong điều kiện hoàn hảo có thể lên tới 280.000 tấn. Năm 2020, công ty sản xuất được trên 207.000 tấn DAP/tổng công suất thiết kế của nhà máy là 330.000 tấn. 

Với công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang – Lào Cai, ông Đào Hữu Duy Anh - Tổng Giám đốc Công ty khẳng định: công ty đang duy trì sản xuất với công suất 100.000 tấn/năm và đang cố gắng mở rộng sản xuất lên 150-200 nghìn tấn/năm. 

Theo ông Trung, cùng với việc tăng tối đa công suất, ngừng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần thông tin minh bạch về tình hình sản xuất, giá bán để các lực lượng chức năng có cơ sở ngăn chặn việc đầu cơ, tích trữ, găm hàng, đẩy giá bán lên cao.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao các đơn vị phối hợp với các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra để phát hiện việc đầu cơ, tích trữ và bán phân bón giả. Đồng thời có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường sử dụng các loại phân bón khác để tăng hiệu quả, giảm chi phí.

Về thông tin giá DAP tăng, các doanh nghiệp sản xuất lý giải, giá tăng không phải do áp thuế tự vệ mà chủ yếu do giá DAP thế giới tăng. Đặc biệt, Trung Quốc đang tăng cường trồng ngô, đậu tương phục vụ nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến nhu cầu sử dụng phân bón tăng mạnh.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu để sản xuất phân bón DAP trên thế giới thay đổi bất thường nhất là lưu huỳnh (S) và amoniac (NH3), ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm phân bón. "Giá tăng nhanh, có lúc trên thị trường khan hiếm, không mua được nguyên liệu lưu huỳnh" - ông Vũ Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem (DAP Đình Vũ) nói.

Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021), giá lưu huỳnh về đến các nhà máy sản xuất DAP đã tăng gấp hơn 2 lần (từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn), tương đương với mức tăng 113 USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4%, tương đương với mức tăng 102 USD/tấn./.

TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục