Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 26/11/2024 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích.

Khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Cụ thể, 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm:

Các di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang);

Đình Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh);

Di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên);

Các di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh);

Đường Hồ Chí Minh trên biển (thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau);

Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805 (thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ xếp hạng tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định nêu rõ, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Cụm di tích Tiên Lục nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Đông Bắc. Cụm di tích Tiên Lục gồm một quần thể di tích nằm trong không gian thoáng đãng thơ mộng mang đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ. Cụm di tích gồm: Cây Dã Hương ngàn năm tuổi, đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Thánh Cả (đền Tiên Lục), đình Thuận Hoà.

Các di tích ở đây đều tọa lạc ở gần nhau, và liên hệ mật thiết với nhau. Đình Thuận Hòa-đình Viễn Sơn-đền Thánh Cả-chùa Phúc Quang đều được xây dựng cùng thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XVIII). Điều đó được thể hiện trên các mảng chạm khắc còn lưu giữ ở đình, với phong cách mang đậm nét kiến trúc thời Lê Trung Hưng, các tư liệu di sản như chuông, cây hương đá có ghi rõ năm tạo tác. Chuông tại chùa có niên hiệu Vĩnh Thịnh Thứ 3 (năm 1707) cho biết "... Chùa Phúc Quang vốn là một cổ tích danh lam...". Lễ hội Tiên Lục được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch. Lễ hội Tiên Lục diễn ra ở 4 khu vực chính là chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây dã hương.

Khu di tích Đa Hòa – Dạ Trạch là sự hợp nhất của nhiều công trình kiến trúc cổ thuộc các di tích: Đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, đền Trung, chùa Đa Hòa và đền thờ Triệu Việt Vương. Khu di tích có không gian cảnh quan đẹp, quy mô kiến trúc lớn, đồ sộ, độc đáo. Các hạng mục công trình kiến trúc đều được bố trí hài hòa, dàn trải theo trục thần đạo. Trong khu di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật tiêu biểu có giá trị như: Sắc phong, bia ký, đại tự, câu đối, châm thư…

Đền Dạ Trạch, còn gọi là Đền Hóa, là ngôi đền nằm ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Nơi đây thờ ba nhân vật trong truyền thuyết, gồm Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là công chúa Tiên Dung và công chúa Hồng Vân (công chúa Tây Sa). Tương truyền đền được xây trên nền thành quách sau khi khi ba vị hóa về trời.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là nơi yên nghỉ, thờ tự, lưu giữ di sản của Đại danh y, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990, gồm các công trình: Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh); khu mộ và khu tượng đài Lê Hữu Trác nằm ở núi Minh Tự ở xã Sơn Trung (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Gắn với khu di tích là các hoạt động tín ngưỡng văn hóa của người dân địa phương nhằm tri ân Đại danh y như: Lễ giỗ, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông… Trong đó, Lễ hội Hải Thượng có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều nghi thức, hoạt động sôi nổi như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, hội thi thả diều Hải Thượng, các trò chơi dân gian...

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/-1975), Đoàn tàu Không số đã làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục