Những sân chơi ý nghĩa
Từ khi thực hiện Dự án 8 đến nay, huyện Chiêm Hóa đã thành lập được 85 Tổ truyền thông cộng đồng. Cuộc thi “Tuyên truyền viên giỏi các Tổ truyền thông cộng đồng” năm 2024 do Hội LHPN huyện Chiêm Hóa tổ chức thành công vừa qua là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng, giúp cho các thành viên của Tổ nâng cao kiến thức, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền; có dịp trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, các tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Hàm Yên trao Cờ lưu niệm cho các đội thi.
Chị Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chiêm Hóa cho biết, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi và triển khai đến 100% cơ sở hội thực hiện Dự án 8. Hội thi được tổ chức 2 vòng thi: cấp cụm (gồm 4 cụm) với 23 đội thi và cấp huyện với 8 đội thi là các đội đạt giải nhất, nhì tại các cụm thi, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Các đội tham gia 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức (câu hỏi lý thuyết và xử lý tình huống) và thuyết trình về các chủ đề bình đẳng giới như: nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, lao động việc làm nữ nông thôn, bạo lực gia đình, xâm hại, bạo hành trẻ em... Nhìn chung, các đội tham gia dự thi đã thể hiện tốt khả năng thuyết trình, lồng ghép đưa những kiến thức về xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình... vào các phần thi; thể hiện được những cách làm hay, kinh nghiệm của các Tổ truyền thông cộng đồng ở mỗi đội; góp phần lan tỏa đến hội viên phụ nữ và Nhân dân về những chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới, phản ánh được những tập tục văn hóa có hại, lạc hậu; phòng chống bạo lực gia đình... tại địa phương.
Đến với các Hội thi, thành viên của các Tổ Truyền thông cộng đồng rất phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) cho biết, Đội xã Xuân Quang đã giành giải Nhất tại Hội thi cấp huyện. Đây là sân chơi ý nghĩa của các thành viên các Tổ Truyền thông cộng đồng. Qua hội thi, các thành viên vừa được chia sẻ vừa được học hỏi thêm được nhiều kiến thức pháp luật, cách thức tuyên truyền từ đội bạn để áp dụng thực tiễn tại địa phương, thôn bản.
Chị Ma Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Những năm trước, trên địa bàn xã, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở một số gia đình, phụ nữ là lao động chính nhưng họ lại hoàn toàn không có tiếng nói trong gia đình; người chồng luôn cho rằng mình là “người trên”, người chủ, có quyền dạy bảo vợ con ngay cả khi anh ta đang có hành vi sai lầm... Hiện nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên suy nghĩ và hành động của Nhân dân trên địa bàn đã dần thay đổi. Hiện tỉ lệ phụ nữ là bí thư chi bộ, trưởng thôn chiếm 40% toàn xã. Hội LHPN xã đã lựa chọn nội dung thi thuyết trình về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình tại Hội thi cấp huyện. Qua đó, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp: Hãy cùng hành động vì mục tiêu: Nam nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc”.
Nâng cao kiến thức pháp luật
Những ngày này, tại 7 cụm thi cấp xã trên địa bàn huyện Hàm Yên, Hội thi “Tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em” năm 2024 do Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức đang diễn ra sôi nổi. Đây là dịp để các thành viên của các Tổ Truyền thông cộng đồng các xã được giao lưu, trau dồi kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động về các Luật: Bình Đẳng Giới, Hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một Tổ Truyền thông cộng đồng thi tại cụm thi xã Minh Hương (Hàm Yên).
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Yên cho biết, Hội thi được tổ chức ở 2 cấp (cấp huyện và cấp xã), chị đánh giá cao công tác chuẩn bị và tập luyện công phu của các đội thi. Nhiều đội đã đem tới cho hội thi những tiểu phẩm “cười ra nước mắt” nhưng ý nghĩa nội dung sâu sắc, phần nào cho thấy thực trạng về định kiến giới, vấn đề bất bình đẳng giới ở một số gia đình và cộng đồng, nơi các đội đang sinh sống như: tiểu phẩm “Một lũ vịt trời” của Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Hợp Hòa, xã Bằng Cốc; tiểu phẩm “Giờ tôi đã hiểu” và “Chia sẻ việc nhà là chia sẻ yêu thương” của Tổ Truyền thông thôn Cốc phường, xã Yên Thuận… Các Tổ truyền thông cộng đồng tham gia dự thi ở các cụm đều trả lời được các câu hỏi tình huống Ban tổ chức đưa ra. Điều đó, chứng tỏ khả năng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và cách thức tuyên truyền, vận động linh hoạt của mỗi Tổ Truyền thông cộng đồng. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ định kiến về giới trong xã hội.
Chị Hoàng Thị Bền, Chi hội trưởng Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) chia sẻ, qua hội thi, chị rút ra được một kinh nghiệm, đó là muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, mình phải hiểu luật, thuộc luật, thông tin cho người dân biết họ vi phạm như thế nào, những mức phạt là bao nhiêu... để họ biết và chấp hành.
Không chỉ tại huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa, tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng cũng đang được quan tâm và triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Bởi đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần xóa bỏ định kiến giới tại cơ sở.
Gửi phản hồi
In bài viết