Đồng lương thấp, trăm thứ bủa vây
Vừa lĩnh lương xong, chị Bùi Thị Hải, đang làm công nhân may ở Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) cầm đi thanh toán tiền thuê nhà trọ, tiền hóa đơn điện, nước... số tiền lương cũng vơi đi quá nửa, số còn lại chị phải để dành để chi phí ăn uống trong hàng ngày. Chị Hải buồn bã nói: “Vậy là tháng này không có dư tiền đem về cho gia đình rồi. So với trước đây thì giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt theo giá xăng trước đó nên đủ sống đã khó, vì thế không thể có số dư để dành dụm nhỡ lúc đau ốm hay lo cho mai sau được”.
Cán bộ tổ 4, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) nắm bắt đời sống công nhân, người lao động tại một khu nhà trọ trên địa bàn.
Từ ngày giá xăng tăng, chị Nguyễn Thị Nga ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) hiện đang là công nhân may, Công ty TNHH Một thành viên Seshin VN2 tại Khu Công nghiệp Long Bình An đã chọn cách thuê nhà trọ thay vì đi đi về về hàng ngày. Chị Nga bảo: “Mới đi làm lại nên lương tháng chị chỉ được chưa đầy 4 triệu, đợt trước giá xăng tăng lên hơn 32.000 đồng/lít nếu đi về thì tiền xăng quá lớn, đến nay, giá xăng đã giảm nên chị sẽ tằn tiện từng đồng để cuối tháng đem về lo cho gia đình. Trong đợt dịch Covid-19 chị đã được Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng đối với chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động ở thuê, ở trọ chị không được hưởng vì không cập trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến 30-6-2022. Giờ nhiều công nhân ở trọ ngày nghỉ không dám đi đâu ra khỏi phòng vì sợ tiêu đến tiền, tối phải đi ngủ sớm vì sợ tốn điện…”.
Trước đây, những ngày cuối tuần được nghỉ, nhiều xóm công nhân ở gần các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh huyên náo, thỉnh thoảng họ tụ tập ăn uống hay đi liên hoan, chúc mừng sinh nhật thì ngày nay họ phải cố gắng thắt chặt chi tiêu giữa thời buổi “bão giá”. Hiện nay, mức thu nhập trung bình của người lao động, công nhân trên địa bàn tỉnh so với các khu vực khác trong cả nước vẫn còn tương đối thấp. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021, tiền lương trung bình của người lao động tại các doanh nghiệp có báo cáo là 5,7 triệu đồng/người/tháng, tình trạng nợ lương người lao động, chậm đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn còn...
Cuộc sống vốn đã khó khăn với đồng lương khiêm tốn thì nay họ lại đang phải hứng chịu ảnh hưởng của “bão giá” bủa vây. Do tình hình giá xăng biến động trên thế giới ảnh hưởng đến nước ta nên công nhân, người lao động cũng rất mong chờ chính sách cải cách tiền lương của Nhà nước cũng như các đơn vị, doanh nghiệp tăng mức lương cho người lao động để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với công việc lâu dài.
Hạn chế về quê để tiết kiệm chi phí
Nhiều công nhân, người lao động Tuyên Quang đi làm tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chọn cách hạn chế về quê vì chi phí đi lại mỗi lần rất tốn kém.
Chị Nông Thị Thủy, dân tộc Tày ở thị trấn Na Hang hiện đang làm việc tại công ty sản xuất ván ép xuất khẩu ở Cụm Công nghiệp An Thịnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, dù cách nhà chỉ vài chục km nhưng 2 vợ chồng chị ở trọ gần công ty và hạn chế về nhà để tiết kiệm chi phí đi lại, nếu có việc cần gấp mới về. Cả 2 vợ chồng mỗi tháng chưa được chục triệu đồng song quá nhiều khoản chi phí như ăn ở, điện nước, tiền xăng hàng ngày... nên phải dành dụm lắm thì mỗi tháng mới có gửi về quê cho ông bà nuôi các con. Chị Thủy bảo, năm học mới 2022 - 2023 này, thấy ông bà nội ở nhà gọi điện thông báo tiền mua sách vở, đóng học cho các con tăng hơn năm trước mà buồn, giá cả cứ leo thang thế này thì đồng lương công nhân sao mà theo kịp.
Lao động làm việc tại Nhà máy may của Công ty TNHH Một thành viên Seshin VN2 ở Khu Công nghiệp Long Bình An.
Chị Lương Thị An, ở xã Thái Sơn (Hàm Yên) làm việc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, giá vé xe khách đã tăng 30% đến 40% so với trước. Khi hỏi nhà xe thì nhà xe bảo giá xăng tăng, mọi thứ cũng đều tăng. Mỗi lần về chi phí cả triệu bạc thế nên mỗi năm chị chỉ dám về nhà 1, 2 lần vào dịp nghỉ Lễ 30-4 và Tết Nguyên Đán.
Lương công nhân thấp, cuộc sống gặp khó khăn nên tình trạng biến động số lượng tại các công ty, các xóm trọ là rất lớn do vậy việc nắm bắt số người chuyển đi, người mới đến nhằm đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện đúng quy định về tạm trú đã được các địa phương quan tâm. Đồng chí Hoàng Văn Thân, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 4, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, trên địa bàn tổ hiện nay có hơn 100 công nhân, người lao động ở xa đăng ký tạm trú tại địa phương. Trong thời gian qua, cán bộ tổ thường xuyên tuyên truyền các chủ nhà trọ, công nhân và người lao động thực hiện nghiêm các quy định, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự…
Nhằm hỗ trợ công nhân người lao động gặp khó khăn, trong thời gian qua tỉnh Tuyên Quang cũng đã triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp…
Hy vọng, từ những chính sách của Nhà nước trong cải cách tiền lương, các biện pháp kiềm chế lạm phát, tăng đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19... sẽ góp phần bình ổn giá, tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp nâng cao mức thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết