Ảnh minh họa: Internet
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hơn 3 năm trước, số lượng sim không có thông tin chính xác là khoảng 26 triệu sim, chiếm khoảng ¼ số lượng thuê bao di động thời điểm đó (năm 2019). Qua nhiều đợt chuẩn hóa lại thông tin thuê bao và sau đó đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, chỉ còn 3,84 triệu sim thuê bao mà nhà mạng xác định phải chuẩn hóa.
Sau khi các nhà mạng áp dụng cắt liên lạc với thuê bao, đến thời điểm ngày 5-4, chỉ còn dưới 1,5 triệu sim chưa chuẩn hóa thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này đã được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc; được đông đảo người dân và giới truyền thông hưởng ứng để chung tay dẹp vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Để tiếp tục xử lý triệt để, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện bước thứ hai là thanh tra, kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 5-4 đến 5-6. Người đứng đầu nhà mạng nếu để xảy ra sai phạm về quản lý thuê bao sẽ bị đề xuất xử lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ xử lý nghiêm những người sử dụng sim không chính chủ, gồm: Những đối tượng thuê sinh viên và lao động tự do… đứng tên đăng ký hàng loạt sim rồi đem bán; những người được thuê đăng ký hàng loạt sim để thực hiện các hành vi gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo...
Những hành vi trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại về tài sản cho nhiều người.
“Việc đăng ký và sử dụng sim có thông tin cá nhân chính xác cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng. Thuê bao có thông tin chính xác sẽ giúp giao dịch trên môi trường số an toàn”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Gửi phản hồi
In bài viết