Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng thông minh như quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường AR (sự kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo) có khả năng xác định lại cách thức hoạt động trưng bày của bảo tàng, mở ra cánh cửa kết nối và làm phong phú thêm các chuyến tham quan của du khách. Nhiều ý kiến cho rằng, các phần mềm ứng dụng không thể thay thế được bảo tàng thực, vì trực quan ngắm nhìn hiện vật gốc mới mang lại cảm xúc thật sự. Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ đã góp phần phát huy giá trị trưng bày hiện vật một cách rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây thực sự là hướng đi quan trọng giúp lưu trữ dữ liệu, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu - phỏng dựng phế tích, phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh bảo tàng và quảng bá di sản.
Anders Sundnes Lovlie, Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ thông tin Copenhagen (Đan Mạch) cho biết: “Hiện đại hóa trưng bày không chỉ là phương thức trực tuyến mà còn là số hóa, điện tử hóa hoạt động. Khi đi thăm bảo tàng, du khách không chỉ nhìn ngắm những hiện vật trưng bày mà còn mong muốn tìm hiểu thông tin về lịch sử, văn hóa, nguồn gốc của chúng. Trên thực tế, các không gian bảo tàng hay hiện vật tiêu biểu đều có những câu chuyện. Những năm trước đây, nhiều nội dung đã được thu âm và đưa vào hệ thống thuyết minh tự động, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu nội dung lịch sử, văn hóa, nghệ thuật...
Hệ thống cũng cho phép tiếp cận nhiều ngôn ngữ, giúp khách quốc tế tìm hiểu dễ dàng. Đặc biệt, trong bối cảnh các bảo tàng không thể sắp xếp đủ số lượng hướng dẫn viên với các ngôn ngữ cùng một lúc thì đây là một giải pháp hữu hiệu. Công nghệ thực tế ảo ra đời được coi là ứng dụng mang lại bước đột phá đối với công tác bảo tàng, giúp tái hiện các hiện vật trong một không gian văn hóa, lịch sử phù hợp. Điều này giúp khách tham quan dễ dàng tiếp nhận giá trị của hiện vật trưng bày và hứng thú hơn trong hành trình khám phá bảo tàng”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Chantal Eschenfelder, Giám đốc Giáo dục và Truyền thông Bảo tàng Staedel (Đức) cho rằng, với diện tích, không gian hạn chế trong khi nhu cầu của khách tham quan ngày càng tăng, cách lựa chọn tốt nhất cho một bảo tàng là mở rộng không gian trưng bày theo hình thức số hóa. Từ đó, các bộ sưu tập sẽ đến gần hơn với người dân, kể cả những bộ sưu tập ít khi được trưng bày.
Đến thời điểm này, Bảo tàng Staedel đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng được trên 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt người truy cập, theo dõi... Nhờ những ứng dụng hiện đại này, số người đến tham quan, nghiên cứu tại đây đã lên tới trên 1 triệu lượt/năm, tăng hơn 2 lần so với khi chỉ thực hiện phương pháp truyền thống.
Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) hiện đang trưng bày một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới: Mona Lisa. Với sức hấp dẫn lớn, kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci thường xuyên thu hút đông đảo khách tham quan. Để đảm bảo an toàn và tránh tập trung quá nhiều người tại khu vực trưng bày bức tranh, bảo tàng chỉ giới hạn thời gian xem 30 giây/khách. Điều này khiến nhiều du khách cảm thấy tiếc nuối. Ngay khi công nghệ VR ra đời, Bảo tàng Louvre đã tạo ra mô hình ảo 3D của Mona Lisa trong một không gian rộng rãi hơn, giải quyết nhu cầu cho khách tham quan muốn ngắm tranh lâu hơn.
Trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Bảo tàng Louvre đã xây dựng các chương trình tham quan trực tuyến miễn phí, giúp du khách không cần đặt chân đến nước Pháp cũng có thể được chiêm ngưỡng các tuyệt tác. Chương trình tham quan trực tuyến được thiết kế dựa trên công nghệ VR và 3D, du khách chỉ cần chọn khu vực muốn tham quan trên trang web của bảo tàng và bắt đầu hành trình khám phá thế giới nghệ thuật hiếm có này. Mỗi tác phẩm đều có thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh và hình ảnh phóng to để người xem dễ dàng thưởng lãm.
Việc chuyển đổi số từ cách trưng bày truyền thống sang bảo tàng số là một bước tiến lớn nhằm bắt kịp cuộc cách mạng về công nghệ. Ngoài ra, số hóa bảo tàng cũng được xem là cuộc cải cách quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm hơn nữa của khách tham quan, đáp ứng nhu cầu của xã hội đương đại.
Gửi phản hồi
In bài viết