Diện mạo nông thôn mới ở thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Ảnh: K.T
Diện mạo mới
Khi những nụ hoa đào, hoa mơ chớm nở đón chào mùa xuân mới cũng là lúc đồng bào Dao, Tày ở xã ATK Trung Yên (Sơn Dương) đón Tết cổ truyền. Trung tâm xã Trung Yên hôm nay trông như phố. Quán xá, cửa hàng, cửa hiệu mọc lên đáp ứng nhu cầu mọi mặt của người dân. Rồi đường bê tông dẫn về các thôn bản, những nếp nhà xây mới xen lẫn nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Dao tạo nên một bức tranh đa sắc màu.
Bên chén chè nóng hổi, đồng chí Vũ Quốc Khiêm, Bí thư Chi bộ thôn Trung Long phấn khởi cho biết, đến nay các tuyến đường của thôn đã được bê tông hóa; 2/3 tuyến đường đã được lắp điện thắp sáng và trồng hoa. Các hộ đã tham gia hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường. Thôn đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Từ một xã ATK đặc biệt khó khăn, Trung Yên đang bứt phá vươn lên. Đồng chí Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết, hiện toàn xã đã có 20 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Trên địa bàn xã đã hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề như tổ hợp tác sản xuất chế biến chè; nuôi cá; chăn nuôi lợn, dê, trồng dưa chuột... Kinh tế khá hơn, người dân đã cùng cấp ủy, chính quyền chung sức xây dựng hạ tầng. Trung Yên vốn là một xã nghèo, 5 năm trước số hộ nghèo chiếm gần 50% thì nay đã giảm một nửa.
Chúng tôi đến xã ATK Hùng Lợi (Yên Sơn), nơi đang khoác lên mình “tấm áo mới”. Đồng chí Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: xã có 1.601 hộ, trong đó trên 80% dân tộc thiểu số. Từ năm 2017 đến nay, Hùng Lợi được hỗ trợ trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Xã đã đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông, thủy lợi, lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng; đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân chăn nuôi, giống cây trồng, máy móc. Nhờ vậy, Hùng Lợi đã và đang cùng với Trung Sơn trở thành xã vùng trung tâm của khu vực ATK Yên Sơn.
Phát triển hạ tầng, đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều. Anh Hoàng Văn Tuyến, Trưởng thôn Khum Kẹn, xã Hùng Lợi vui mừng nói: Tết này, người Mông, người Dao ở Khum Kẹn vui nhất vì cuộc sống đã bớt khó khăn, nhất là có cầu bắc qua sông Phó Đáy nối hai bờ, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Đây là điều kiện để thôn phát triển 200 ha rừng trồng, nuôi trâu, bò, lợn, gà... mở hướng thoát nghèo.
Rạng rỡ sắc xuân
Ngôi nhà xây 2 tầng khang trang của vợ chồng anh Hoàng Văn Sành, dân tộc Mông, thôn Khum Kẹn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) còn vương mùi sơn. Anh Sành khoe, ngôi nhà vừa hoàn thành tháng 8-2022 trị giá 800 triệu đồng. Đó là tiền tích cóp của vợ chồng anh từ bán 5 ha gỗ rừng trồng, trồng ngô, khoai, sắn. Anh Sành bảo, người Mông đã đổi cách nghĩ, chủ động làm kinh tế và học cái chữ nhiều hơn. Anh kể, trước theo bố mẹ du canh, du cư, phá rừng làm rẫy, đến năm 1997 ở lại bản Khum Kẹn, từ đó đến nay 30 nóc nhà người Mông đã ổn định cuộc sống và đang từng bước thoát đói, giảm nghèo. Tết này, anh mổ hẳn con lợn to khao làng vì có nhà mới, cuộc sống tươm tất hơn.
Cách Khum Kẹn 4 km, thôn Khuổi Ma có 100% đồng bào Mông sinh sống, những năm trước, vào thôn chỉ có con đường mòn vượt núi, chỉ có thể đi bộ. Thôn gần như biệt lập với bên ngoài. Kinh tế không phát triển vì người Mông chỉ khai thác những sản phẩm từ thiên nhiên, không có vốn, cũng không nắm được khoa học kỹ thuật để chăn nuôi trồng trọt. Anh Sầm Văn Páo, Trưởng thôn Khuổi Ma cho biết: giờ thôn có lớp học khang trang, làm đường từ nguồn vốn 135; người dân được hỗ trợ vốn, kỹ thuật để chăn nuôi trâu; hỗ trợ cây keo giống trồng trên 60 ha rừng sản xuất. Chính sự hỗ trợ này, người Mông ở đây đã hết đói, bớt nghèo, đang từng bước chủ động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Hai bên đường cờ hoa rực rỡ, sự sầm uất không khác gì “phố huyện”... là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Kim Bình (Chiêm Hóa) quê hương cách mạng vào những ngày đầu Xuân Quý Mão. Đồng chí Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, với sự chủ động, năng động trong phát triển kinh tế, người dân Kim Bình đã khấm khá hơn trước nhiều. Xã đã xây dựng được thương hiệu “Mắm cá Cổ Linh”; quy hoạch vùng sản xuất tập trung 460 ha cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc với đàn trâu, bò hơn 1.000 con.
Nhiều hộ dân ở Kim Bình đã có mô hình kinh tế hiệu quả đạt trên 100 triệu đồng/năm, điển hình như gia đình anh Lục Văn Thùy, thôn Đèo Nàng có mô hình nuôi thỏ quy mô 500 con, mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 con; anh Ma Vĩnh Tích, thôn Pác Chài, với mô hình hơn 1.000 cây chanh tứ thì và 5 sào bí siêu quả; anh Ma Đình Tuyên, thôn Đồng Cột đã chuyển đổi 1.000m2 ao nuôi cá và trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi ốc nhồi; anh Lý Văn Long, thôn Khuổi Pài nuôi trên 4.500 con gà ri...
Được sự quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng của Đảng, Nhà nước, sự cần cù, chịu khó của người dân đã xây đắp nên những mùa xuân ATK tươi thắm, rộn ràng. Tết đã về rồi, các chị, các em xúng xính trong trang phục truyền thống đi sắm Tết nhân lên bao niềm vui và khát vọng...
Gửi phản hồi
In bài viết