Xuất khẩu gạo đón tín hiệu vui.
Đơn hàng tốt, giá tăng
Đầu tháng 3, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tất bật chuẩn bị lô gạo chất lượng cao với lượng trên 2.000 tấn xuất khẩu đi Trung Quốc. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, đây là tin rất vui vì sau nhiều tháng chững lại, hiện Trung Quốc và nhiều thị trường đang tăng cường mua gạo của Việt Nam.
“Sau đơn hàng này, chúng tôi đang tiếp tục đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn sang Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines, Indonesia, Malaysia và các nước Trung Đông cũng đang có tín hiệu muốn nhập hàng”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Đơn hàng từ Trung Quốc đã và đang tăng thêm tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo nói chung. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789 nghìn tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2022.
Còn theo nhận định của Bộ Công thương, gạo là một trong những mặt hàng có giá xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý là tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á diễn biến trái chiều. Trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đi xuống, thì giá gạo của Việt Nam và Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh ngay cả khi rủi ro nguồn cung toàn cầu vẫn còn…
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song năm 2022 xuất khẩu gạo vẫn đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định ở mức dưới 45%, gia tăng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… ; giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường, chất lượng thấp. Đáng chú ý, trong năm vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang thị trường Philippines.
Sau 2 tháng đầu chững lại, bước sang tháng 3, các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Thêm vào đó, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, nên có giá bán tốt. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam cũng được dự báo có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Với thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông chia sẻ: "Chúng tôi rất lạc quan về ngành gạo. Từ năm 2019 tới nay, ngành gạo có những lúc không còn lúa gạo để bán. Để làm được chuyện đó thì các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc lai tạo giống để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Công tác xúc tiến thương mại cũng được thực hiện tốt để đưa gạo ra nước ngoài".
Cần có chiến lược cụ thể cho từng thị trường
Cùng với các dự báo được đưa ra, các doanh nghiệp cũng nhìn nhận về vấn đề khai thác thị trường. Theo các doanh nghiệp, chúng ta phải có từng chiến lược cụ thể cho từng thị thị trường, có như vậy mới tận dụng được các lợi thế của những Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đồng thời từng bước nâng cao giá trị và vị thế của ngành gạo trên thị trường quốc tế.
Gạo xuất khẩu đã tập trung vào những giống có chất lượng.
Ông Võ Công Thức, Giám đốc Quản lý chất lượng Tập đoàn Lộc Trời nêu quan điểm: "Chúng ta nói về rất nhiều thị trường châu Á, châu Phi nhưng rất cần một chiến lược cụ thể cho từng thị trường. Đối với những thị trường quen thuộc thì doanh nghiệp khá am hiểu. Nhưng đối với thị trường mới thì rất cần sự hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại".
Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn. Ông Phan Văn Chinh cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao, cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.
Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, bảo đảm các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời có giải pháp để ứng phó với khó khăn.
Gửi phản hồi
In bài viết