Công chúng Thủ đô được hoà mình vào những tiết mục văn nghệ xúc động và tự hào.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), tối 10/10, tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội - Bản hùng ca phố”.
Dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chương trình mang tên “Hà Nội - Bản hùng ca phố” bởi mỗi con đường, mỗi ngôi nhà nơi đây đều là những chứng nhân lịch sử, lặng lẽ và kiên cường dõi theo bao sự kiện, từ đổ nát khốc liệt của chiến tranh đến ngày về huy hoàng chiến thắng.
Chương trình “Hà Nội - Bản hùng ca phố” gồm ba chương: Trận địa trong thành phố, Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô, Bài ca Hà Nội.
Đó là những màn sử thi tái hiện chặng đường lịch sử hào hùng của Thủ đô, từ những ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” khi Hà Nội kìm chân quân Pháp để Trung ương rút lên chiến khu an toàn cho đến những tháng năm trường kỳ kháng chiến.
Xen kẽ giữa những ca khúc đặc sắc về Hà Nội như: Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tiến về Hà Nội… là những thước phim tư liệu quý giá về quá trình chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội với thực dân trong chiến tranh, hay gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
Nổi bật trong đó là câu chuyện của Vệ Út Phùng Đệ - nhà quay phim chiến trường kỳ cựu, người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1946. Ông cũng chính là nhân chứng khi đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.
Sau chiến thắng Điện Biên, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva, quân ta trở về tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Những ngày chuẩn bị tiếp quản là cả quá trình đấu tranh cam go với thực dân Pháp cũng như những lực lượng phá hoại để bảo vệ Thủ đô an toàn, nhất là hạ tầng.
Công chúng được ôn lại quá trình đấu tranh đó qua lời kể của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hay của Thiếu tướng Dương Văn Soạn, người trực tiếp tham gia tiếp quản Đồn Công an số 22, Ô Đông Mác…
Chương trình được ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo nên sức hấp dẫn với khán giả.
Và trong không khí thiêng liêng, xúc động ấy, cả quảng trường Đoan Môn lắng xuống, tất cả các đại biểu cùng nhân dân đứng lên hướng về Cột Cờ Hà Nội làm lễ chào cờ, tái hiện lại khoảnh khắc thiêng liêng 70 năm về trước, khi đoàn quân trở về Giải phóng Thủ đô tổ chức Lễ chào cờ tại Cột Cờ Hà Nội.
Hà Nội sau giải phóng bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng rồi cả nước nhanh chóng phải bắt tay vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quân dân Thủ đô Hà Nội một lần nữa góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chiến thắng có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973, rút quân về nước, tạo tiền đề cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những khoảnh khắc hào hùng của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không được tái hiện” qua hồi ức của bà Phạm Thị Viễn khi đó là nữ tự vệ 22 tuổi của Nhà máy cơ khí Mai Động, đầu chít khăn tang trắng vẫn kiên cường bên mâm pháo bảo vệ bầu trời Hà Nội…
Chương trình khép lại với những hình ảnh, những ca khúc về một Hà Nội tràn đầy sinh lực, năng động trong phát triển, hội nhập trong kỷ nguyên mới, với những ca khúc như: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Nội những công trình...
Các ca khúc trở nên lắng đọng qua phần biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Tấn Minh, Đăng Dương, Hồng Nhung, Tùng Dương, Trọng Tấn, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Bảo Trâm, Tạ Quang Thắng…
Một điểm nhấn thú vị trong “Hà Nội - Bản hùng ca phố” là sự phát triển của Thủ đô qua các thời kỳ được tái hiện thông qua các hình ảnh trình chiếu 3D mapping. Trong đó, những công trình đã và đang xây dựng, những dự án lớn của tương lai là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của thành phố.
Gửi phản hồi
In bài viết