Xưởng chế biến gỗ ở thôn Lũng, xã Mỹ Bằng gây ảnh hưởng đến khu dân cư.
Theo phản ánh, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra khá nghiêm trọng, xuất phát từ hoạt động của cơ sở chế biến gỗ băm dăm của ông Đào Duy Tùng, trú tại thôn Lũng, xã Mỹ Bằng làm chủ xưởng. Tiếng ồn thường xuất hiện khi xưởng gỗ hoạt động từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Thực tế xác minh, chúng tôi nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Xưởng gỗ của của ông Đào Duy Tùng có quy mô khá lớn, nằm trên trục đường thôn và liền kề với khu dân cư.
Tại thời điểm chúng tôi có mặt, hệ thống máy móc của xưởng đang hoạt động bóc vỏ gỗ, cành keo và băm nhỏ thành mảnh, thông qua băng chuyền chuyển vào xe tải. Xưởng sử dụng máy móc công suất lớn, thường xuyên có 5 đến 6 lao động làm việc. Từ xa cũng cảm nhận được tiếng máy xẻ, nghiền gỗ chạy liên tục rất khó chịu. Gia đình Bà Hoàng Thị Nguyệt là hộ dân sống gần xưởng nhất cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, khi xưởng băm dăm hoạt động, gia đình bà thường phải chịu “tra tấn” của tiếng ồn mỗi ngày. Bản thân Bà Nguyệt năm nay đã ngoài 70 tuổi và đang bị di chứng sau tai biến. Vì thế, mỗi khi xưởng hoạt động, bà phải đi ở nhờ các nhà dân sống xa khu vực xưởng để tránh tiếng ồn. Bà mong muốn tình trạng này sớm chấm dứt để cuộc sống gia đình trở lại bình thường.
Xưởng chế biến gỗ tại thôn Lũng nằm liền kề với khu dân cư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết: UBND xã cũng mới nhận được phản ánh của một công dân tại thôn Lũng về hoạt động của xưởng gỗ băm dăm gây tiếng ồn. UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống xác minh thông tin. Theo biên bản xác minh thực tế được thực hiện ngày 10-05-2022 của tổ công tác, tại xưởng có 1 máy bóc vỏ cây dài 8 m, 1 máy băm, một dây băng tải dài 10 m, 1 máy sàng dài 5 m, 1 băng tải chuyển gỗ băm lên xe tải dài 14 m. Khoảng cách từ tường của xưởng đến nhà ông Lê Văn Cốm (hộ có đơn kiến nghị lên UBND xã) là 6,3 m; từ vị trí của nhà ông Cốm đến máy băm, băng chuyền gỗ băm từ 9 đến 15 m. Theo ông Huynh, phương án giải quyết trước mắt của xã là mời đại diện xưởng gỗ và hộ dân có đơn phản ánh lên xã để hòa giải và đề nghị chủ xưởng có biện pháp khắc phục để giảm thiểu tiếng ồn.
Thiết nghĩ, phương án giải quyết hòa giải chỉ là biện pháp tạm thời của chính quyền xã Mỹ Bằng. Vấn đề đặt ra ở đây là tiếng ồn của xưởng chế biến gỗ gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân mới là thực tế cần giải quyết và đó mới chính là nguyện vọng của người dân. Việc cơ sở chế biến gỗ nằm liền kề với khu dân cư gây tiếng ồn, khói bụi là đều khó tránh khỏi, nhưng ở mức độ nào thì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp kiểm tra và có kết luận chính xác. Từ đó tìm phương án tối ưu để các hộ dân vừa có điều kiện phát triển sản xuất, vừa không gây ô nhiễm cho khu dân cư nơi mình sinh sống.
Gửi phản hồi
In bài viết