Anh Hoàng Hùng Dân.
Năm 2018, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang, anh Hoàng Hùng Dân vào công tác tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Tuyên Quang cho đến nay. Công việc của anh là lập hồ sơ bệnh án, tiếp nhận, phân loại, quản lý học viên cai nghiện để có phác đồ điều trị cắt cơn phù hợp. Đặc biệt, công tác tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học viên rất quan trọng, vì từ đó có thể phân loại hồ sơ, chẩn đoán bệnh chính xác, đảm bảo điều trị hiệu quả và kịp thời cho học viên.
Chia sẻ về đặc thù công việc, anh Dân cho biết: “Khó có thể nói hết những khó khăn của việc điều trị cho người nghiện ma túy. Nhiều học viên cai nghiện ma túy mắc bệnh nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là các bệnh dễ lây nhiễm như: lao phổi, viêm gan, HIV/AIDS... Nhiều trường hợp trong quá trình điều trị cắt cơn thường đập phá, la hét, doạ nạt, có trường hợp còn cắt tay tự tử do bị ảo giác từ quá trình sử dụng ma túy. Vì vậy, trong thời gian đó, tôi thường xuyên phải dậy lúc nửa đêm hoặc 2-3 giờ sáng để cấp phát thuốc và theo dõi sức khoẻ học viên. Những học viên mới tôi phải theo sát 24/24 giờ”.
Học viên tại đây đa số là những người có tiền án tiền sự nên khó khăn trong quá trình tiếp xúc. Để giúp học viên điều trị, cắt cơn, cai nghiện thành công nhất là những học viên mới, anh Dân thường hỏi thăm, lắng nghe các học viên tâm sự về cuộc đời, về những trăn trở trong cuộc sống của họ. Từ đó khích lệ tinh thần giúp họ có kết quả điều trị tốt nhất. Anh tâm sự: “Nghe nói tới làm việc trong môi trường cai nghiện thì ai cũng sợ nhưng có tiếp xúc với người nghiện mới cảm nhận được. Bề ngoài các học viên có vẻ dữ dằn nhưng mình quan tâm, hỏi thăm, động viên họ thì bản thân họ cảm nhận được điều đó sẽ hợp tác tích cực với mình trong quá trình điều trị. Làm công việc này cần tận tâm, tận tình, tâm sáng sẽ thấy tinh thần thoải mái, không bị căng thẳng, mệt mỏi. Mỗi người cai nghiện thành công là niềm hạnh phúc đối với một người làm ngành y như tôi”.
Làm việc trong môi trường có nhiều nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao nếu chỉ lơ là một chút. Thế nhưng, chưa bao giờ anh Dân có ý định sẽ từ bỏ công việc điều trị cho học viên cai nghiện ma túy. Khi được hỏi tại sao anh không xin làm ở nơi khác, anh chỉ cười nói: “Tôi sẽ gắn bó với công việc nơi đây bởi tôi yêu nghề và cũng vì tôi rất thương những người vào đây cai nghiện. Tôi luôn nghĩ họ là những người lầm lỡ, đã vào đây là họ rất muốn làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, tôi muốn được điều trị cho họ, giúp họ cai nghiện thành công”.
Có lẽ sự thấu hiểu, đồng cảm đã giúp anh Dân dễ trò chuyện, chia sẻ với học viên. Hơn cả một người thầy thuốc, anh còn là người bạn, người thân của những học viên nơi đây. Anh luôn bền bỉ từng ngày mang trong mình tâm niệm “lương y phải như từ mẫu”, gieo tình người và niềm tin cho những mảnh đời lầm lỗi, bất hạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết