Trong số các quốc gia ký cam kết này còn có Đan Mạch, Italia, Phần Lan, Costa Rica, Ethiopia, Gambia, New Zealand và Quần đảo Marshall... cùng với 5 tổ chức phát triển, bao gồm Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển Đông Phi.
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh), các nước trên nêu rõ việc đầu tư vào các dự án năng lượng liên quan đến hóa thạch ngày càng tiềm ẩn rủi ro kinh tế và xã hội.
Các nước này cam kết đến cuối năm 2022 sẽ ngừng cung cấp thêm sự hỗ trợ công trực tiếp cho các dự án năng lượng khai thác từ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài mà không sử dụng công nghệ để thu hồi khí thải CO2. Điều này sẽ bao gồm các dự án than, dầu và khí đốt mà không sử dụng công nghệ để thu hồi CO2. Tuy nhiên, thỏa thuận này cho phép miễn trừ một số trường hợp nhất định song phải đảm bảo tuân thủ mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, theo đó khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Thông báo về sáng kiến này, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tăng trưởng sạch, năng lượng và biến đổi khí hậu của Anh Greg Hands nhận định, việc chấm dứt tài trợ quốc tế cho tất cả dự án nhiên liệu hóa thạch không sử dụng công nghệ thu hồi khí thải CO2 là giải pháp cấp bách tiếp theo để đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở mức 1,5 độ C.
Trong khi đó, các nhà vận động gọi cam kết này là bước đi "lịch sử" trong nỗ lực cắt đứt nguồn tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận mới cũng có phạm vi lớn hơn cam kết mà Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra trước đó về ngừng tài trợ các dự án than đá ở nước ngoài.
Theo phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Oil Change International, từ năm 2016-2020, các quốc gia đã ký cam kết trên đầu tư trung bình gần 18 tỷ USD mỗi năm vào các dự án nhiên liệu hóa thạch quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết