Đẩy mạnh tiêm chủng lúc này sẽ giúp các quốc gia giữ vững thành quả chống dịch và chung sống an toàn với Covid-19.
Chỉ riêng ngày 3-11, Nga ghi nhận 40.443 ca mắc Covid-19 mới, với 1.189 ca tử vong - cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Thực trạng này diễn ra bất chấp trên 56,6 triệu người dân xứ Bạch dương đã được tiêm phòng ít nhất một mũi, và trên 48,2 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tương tự, Đức với tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ đạt 66% cũng ghi nhận tỷ lệ ca bệnh trung bình trong 7 ngày ở mức cao nhất kể từ tháng 5. Sau gần 2 tháng, Pháp trở lại mốc 10.000 ca nhiễm mới trong ngày 4-11.
Tại châu Á, Trung Quốc đối mặt đợt bùng phát mạnh nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Vũ Hán vào năm 2019. Lào cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong ngày lên mức 4 con số...
Dịch bệnh diễn biến xấu đã đe dọa tiến trình khởi động lại nền kinh tế, chuyển hướng từ “Zero Covid-19” sang mô hình chung sống an toàn mà nhiều nước đang triển khai. Để ứng phó diễn biến trước mắt, các chính phủ phải miễn cưỡng áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội.
Hiện nay, Hà Lan đã một lần nữa yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại các điểm công cộng, thực hiện giãn cách xã hội, khuyến nghị làm việc tại nhà ít nhất nửa thời gian trong tuần và tránh đi lại vào giờ cao điểm.
Slovenia siết chặt các biện pháp hạn chế tụ tập và yêu cầu nhân viên trong các lĩnh vực công làm việc tại nhà, trong khi Latvia buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng. Về phần mình, dù có hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Singapore buộc phải dừng tiến trình mở cửa trở lại để tìm hiểu nguyên nhân gia tăng bất thường các ca nhiễm mới.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân buộc các nước phải áp đặt trở lại biện pháp phòng dịch cũ nằm ở tỷ lệ phủ vắc xin phòng Covid-19 chưa cao, để tồn tại những lỗ hổng lây nhiễm. Ngoài ra, nhiều quốc gia sau một thời gian duy trì tiến độ tiêm khẩn trương lại bị giảm tốc do tâm lý chủ quan của người dân. Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm mới lại chỉ ra “điểm yếu” của hệ thống phòng thủ chống dịch lúc này chính là những người chưa tiêm vắc xin.
Theo Hãng thông tấn DW (Đức), Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, số ca nhiễm mới của nước này (hơn 20.000 ca riêng trong ngày 3-11) chủ yếu tập trung ở nhóm dân số chưa tiêm phòng. Nhận định này tương đồng với đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở một số quốc gia - như khu vực Đông Âu - chính là lý do khiến dịch bệnh lây lan nhanh; ví như, 90% số ca mắc mới tại Bulgaria là những người chưa tiêm vắc xin.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng, việc tiêm phòng vắc xin khẩn trương và toàn diện, thậm chí tiêm chủng tăng cường nếu cần, trở nên đặc biệt quan trọng để giữ vững những thành quả chống dịch đã đạt được. Điều này cũng tạo thuận lợi trong việc ứng phó các làn sóng lây nhiễm mới, cũng như các biến thể mới của SARS-CoV-2.
Trả lời Reuters, nhiều chuyên gia y tế hàng đầu thế giới cũng lạc quan, việc sớm hoàn thành các mục tiêu tiêm chủng có thể biến Covid-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu ngay trong năm 2022, dự đoán điều này có thể diễn ra trước hết ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha...
Đẩy mạnh tiêm chủng lúc này sẽ không chỉ giúp thế giới giữ vững nhịp độ xây dựng cuộc sống an toàn bất chấp dịch bệnh, mà còn là điều kiện tiên quyết giúp nhiều quốc gia sớm bỏ lại những gì tồi tệ nhất của đại dịch ở phía sau.
Gửi phản hồi
In bài viết