Cùng sinh hoạt
Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 quy định về trách nhiệm của cấp ủy các cấp về dự sinh hoạt với chi bộ ở khu dân cư: Quy định số 18 quy định về trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư thuộc đảng bộ được phân công phụ trách, theo dõi; dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và khu dân cư nơi cư trú; Quy định số 20 quy định về trách nhiệm của cấp ủy viên và cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp trong việc dự sinh hoạt chi bộ thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp ủy.
Bí thư Chi bộ thôn Tiên Tốc Cháng A Đềnh giao tiếp với người dân bằng tiếng dân tộc.
Ngoài việc chú trọng sinh hoạt chi bộ, cán bộ, đảng viên ở Tuyên Quang còn gắn bó với cơ sở, với cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Cháng A Đềnh, Bí thư chi bộ thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) là người Mông, nhưng đã học tiếng Dao để tuyên truyền cho bà con người Dao trong thôn cùng phát triển kinh tế. Để vận động bà con trồng mía, chăn nuôi vỗ béo trâu bò, Bí thư A Đềnh vừa nói bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Dao nên bà con dễ hiểu, tin tưởng và làm theo.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Tuyên Quang phát hiện ca bệnh đầu tiên tại thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cùng nhiều trường hợp tiếp xúc. Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở thôn, cũng là ca đầu tiên của tỉnh, nhiều người trong thôn đã rất lo lắng. Tổ covid cộng đồng tại thôn được thành lập từ trước đó. Yêu cầu cấp bách được đặt ra là phải thần tốc truy vết, theo dõi để có các biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây lan. Thôn là “cánh tay nối dài” của xã, nắm tình hình di biến động của người dân, tuyên truyền, vận động trấn an người dân không hoang mang lo sợ.
Cùng làm
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Hàm Yên được tỉnh giao trọng trách xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. BTV Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các chi, đảng bộ cơ sở, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cấp huyện đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở cùng nhân dân vào thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần. Đồng chí Mai Hồng Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hàm Yên chia sẻ, vấn đề hết sức quan trọng đặt ra là làm sao tạo sự chuyển biến về nhận thức của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; để nhân dân chuyển nhận thức từ khách thể thành chủ thể, từ tự phát thành tự giác, từ yêu cầu thành nhu cầu, từ hy vọng thành khát vọng trong xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ lao động với nhân dân thôn Ninh Tuyên, xã Thái Hòa (Hàm Yên).
Từ cách làm hiệu quả này, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, chia sẻ, đồng cảm, cổ vũ và động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Với yêu cầu phải chỉnh lý biến động thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người dân sau khi điều chỉnh một số giấy tờ tùy thân, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường không nghỉ ngơi mà bắt tay luôn vào công việc với “3 cùng”: cùng kê khai, cùng thẩm định, cùng kiểm tra kết quả. Các nhân viên đã nhiệt tình đón và hướng dẫn việc kê khai chỉnh lý. Nhờ vậy mà có những thủ tục của người dân từ khi kê khai cho đến khi nhận kết quả chỉ mất 30 phút để giải quyết xong. Mục tiêu đặt ra của ngành là đem đến sự phục vụ hài lòng nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục.
Cùng lắng nghe, đối thoại và giải quyết
Việc thường xuyên đi cơ sở của lãnh đạo tỉnh trong thời gian vừa qua đã và đang tháo gỡ dần những nút thắt bức xúc trong nhân dân. Đích thân đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi cơ sở, đến những “điểm nóng” nắm bắt, tìm hiểu vấn đề và chủ trì nhiều cuộc đối thoại với công dân. Hầu hết các bức xúc đều liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, những chính sách ảnh hưởng tới đời sống và quyền lợi của nhân dân. Bên cạnh việc trực tiếp giải quyết, lãnh đạo UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm, sâu sát, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh tại cơ sở.
Các đồng chí: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương kiểm tra việc thực hiện Dự án khu xử lý rác thải tại xã Nhữ Khê (Yên Sơn).
Một trường hợp điển hình tại huyện Yên Sơn. Từ năm 2011, ông Phạm Trọng Kiêm, thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân đã gửi đơn khiếu kiện về việc Nhà nước thu hồi không đúng gần 2.300 m2 đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông để bố trí khu tái định cư. Từ đó đến nay hơn 10 năm ông đã gửi gần 200 đơn khiếu kiện đến các cấp từ huyện cho đến Trung ương, rồi có những phát ngôn trên mạng xã hội thể hiện sự không đồng tình với các quyết định đó, gây phức tạp tình hình tại địa phương.
Khi được phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Phạm Ninh Thái hiện là Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn nghiên cứu kỹ các văn bản và đối chiếu với các quy định của pháp luật để làm cơ sở giải quyết, tìm cách tháo gỡ. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và tích cực xem xét những lợi ích chính đáng của ông Kiêm, đến nay mọi việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý. Ông Kiêm hài lòng với cách giải quyết này của huyện, giải tỏa được những bức xúc hơn 10 năm nay. Ông đã rút đơn, có cam kết không khiếu kiện, đồng thời tình nguyện hiến cho huyện hơn 530 m2 đất để bố trí tái định cư.
“Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cán bộ ở Tuyên Quang vận dụng, chứng minh bằng hiệu quả trong từng việc. “Lấy dân làm gốc”, 3 cùng với dân, các cấp ủy đảng, chính quyền của Tuyên Quang đã và đang làm tròn bổn phận phục vụ nhân dân, tạo mối liên hệ máu thịt dân với Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết