Sĩ quan lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tặng quà cho trẻ em Nam Sudan. (Ảnh: CỤC GÌN GIỮ HÒA BÌNH VIỆT NAM)
Việt Nam luôn đánh giá cao và trân trọng sự hợp tác với Liên hợp quốc, từ giai đoạn xây dựng lại đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hiệu quả hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và ghi đậm dấu ấn đóng góp của Việt Nam tại diễn đàn đa phương.
Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là điển hình thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố mục tiêu của Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia sáng kiến Cam kết toàn cầu giảm phát thải methane, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu.
Dấu ấn Việt Nam thể hiện đậm nét tại nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc những năm vừa qua. Sau thành công trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ, thể hiện trách nhiệm cao, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực. Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC)... Việt Nam cũng đẩy mạnh vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền và một số cơ chế của Liên hợp quốc như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS), Ủy ban Pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (LTC).
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những thế mạnh của Việt Nam trong những nỗ lực chung nhằm góp phần giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và một đội công binh tại Phái bộ ở Abyei, khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Hợp tác ứng phó dịch Covid-19 là một trong những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc. Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu liều vắc-xin thông qua Chương trình COVAX và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc. Chủ động phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống dịch, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Việt Nam đóng góp 50.000 USD cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và một triệu USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế Nhóm công tác Sơ tán y tế trên toàn hệ thống Liên hợp quốc (MEDEVAC).
Hành trình hợp tác 45 năm với những kết quả tích cực, thực chất giữa Việt Nam và Liên hợp quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực chung của hai bên trong việc khắc phục những mặt còn hạn chế, đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như góp phần nâng cao vai trò và vị thế tổ chức hợp tác đa phương lớn nhất hành tinh trong thời kỳ mới.
Gửi phản hồi
In bài viết