Tổng thống Senegal Macky Sall phát biểu trong buổi họp báo khi tiếp đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz,
ngày 22/5/2022 tại Dakar. (ẢNH: REUTERS)
Ngày 27/5, các nhà lãnh đạo các nước châu Phi đã nhóm họp tại Malabo, thủ đô của Guinea Xích đạo, để thảo luận về các thách thức nhân đạo tại châu lục này.
Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Phi (AU) về nhân đạo được tổ chức để tìm cách giải quyết những thách thức nhân đạo mà châu lục phải đang phải đương đầu vốn ngày càng trầm trọng hơn do những tác động về kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19 và những thảm họa khác.
Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh bất thường AU diễn ra từ ngày 25-28/5.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Senegal Macky Sall, hiện đang là Chủ tịch luân phiên của AU, cho rằng những tình trạng khẩn cấp về nhân đạo tái diễn đều đặn liên quan đến các yếu tố như biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên và tấn công khủng bố cũng như xung đột vũ trang.
Theo ông, số phận của hàng triệu người di cư, tha hương đòi hỏi một quá trình phát triển bao trùm, tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng xã hội.
Ông Sall nhấn mạnh, châu Phi cần chủ động ứng phó với các thảm họa nhân đạo, kêu gọi triển khai huy động hỗ trợ các chiến dịch củng cố các nguồn lực cho Chương trình năng lực quản trị rủi ro châu Phi (ARC) để có thể ứng phó hiệu quả hơn với các tình huống khẩn cấp do thảm họa thiên nhiên gây ra.
ARC là cơ quan chuyên môn được thành lập để hỗ trợ chính phủ các nước châu Phi nâng cao năng lực dự phòng, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa thiên nhiên.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh vai trò của hành động tập thể nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp về nhân đạo tại châu Phi.
Phát biểu tại hội nghị, ông cho rằng các tình huống khẩn cấp về nhân đạo ở châu Phi xảy ra nhiều, đa dạng và dàn trải trên toàn châu lục và là vấn đề gây lo ngại thường trực. Khoảng 15 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng 113 triệu dân, đang đợi được hỗ trợ khẩn cấp trong năm 2022.
Quan chức này nhận định bức tranh nhân đạo tại châu Phi thậm chí sẽ còn tối hơn vì hai yếu tố - một là đại dịch Covid-19 khiến các nỗ lực ổn định người di cư trở nên kém hiệu quả và hai là biến đổi khí hậu, chủ yếu do các hoạt động kinh tế của con người, đã dẫn đến những ảnh hưởng ngày càng trầm trọng, từ hạn hán kéo dài cho đến lũ lụt vượt kiểm soát.
Thông qua hội nghị nhân đạo này, AU thể hiện quyết tâm tiếp tục thực hiện các nỗ lực nhằm ổn định người di cư, người tha hương và những nhóm chịu ảnh hưởng khác.
Gửi phản hồi
In bài viết