Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa)
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây, và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mức tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%), ước đạt 1.993,6 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%. Một số địa phương có mức tăng mạnh là Đà Nẵng, tăng 40,3%; Cần Thơ, tăng 27,2%; Đồng Nai, tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 23,4%; Quảng Ninh, tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 89,4% so với 5 tháng đầu năm 2022 do trong tháng 5 có nhiều ngày nghỉ lễ, trong đó Đà Nẵng tăng gấp 3,5 lần; Hải Phòng tăng gấp 3,2 lần; Hà Nội tăng gấp 3 lần; Bình Thuận tăng 75,2%; Khánh Hòa tăng 71,5%...
Gửi phản hồi
In bài viết