Từ nguồn vốn vay của Agribank, Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vĩnh Quang (Chiêm Hóa) mở rộng quy mô chăn nuôi trâu.
Với 1,5 tỷ đồng vốn vay lãi suất ưu đãi từ Agribank Tuyên Quang, Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất nông nghiệp Phương Đình, xã Tân Tiến (Yên Sơn) có thêm lực để mở rộng quy mô sản xuất. Chị Vương Dự Đình, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết, vay được vốn ưu đãi hợp tác xã sẽ hiện thực hóa kế hoạch phát triển thêm ngành nghề du lịch sinh thái, đón khách tham quan vườn rừng.
Cũng từ nguồn vốn của Agribank vay theo Nghị quyết số 10/2014/HĐND tỉnh về phát triển kinh tế trang trại, gia đình bà Nguyễn Thị Ái, thôn 68, xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã chuyển hướng canh tác cam theo tiêu chuẩn hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao. Bà Ái cho biết, gia đình có 4 ha cam, trước đây cam được canh tác thông thường giá bán thấp nên không có điều kiện để đầu tư. Năm 2019, bà vay 500 triệu đồng lãi suất thấp của Agribank đầu tư trồng thay thế cây già cỗi, đồng thời chuyển hướng sang canh tác hữu cơ. Vụ cam vừa qua bà Ái thu 40 tấn cam hữu cơ, bán ngay từ đầu vụ đạt trên 500 triệu đồng. Theo bà Ái, năm tới nhiều cây cam cho quả sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Ông Dương Tuấn Phương, Phó trưởng phòng Dịch vụ - Maketing Agribank Tuyên Quang cho biết, Agribank đã và đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò là cầu nối, đưa chính sách phát triển kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng vào cuộc sống. Ngân hàng triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng, nhà ở khu vực nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các chương trình cho vay tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như cho vay theo cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh; cho vay theo cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay theo cơ chế phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới...
Tính đến hết tháng 2, tổng dư nợ của Agribank đã đạt trên 8.300 tỷ đồng, trong đó dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt 6.433 tỷ đồng, chiếm 77,8% tổng dư nợ cho vay. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi chủ lực như cá, trâu, cam, bưởi, chè; các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tỉnh được tiếp thêm lực để vượt qua khó khăn đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết