Với sự trợ lực của Agribank Tuyên Quang, Hợp tác xã Hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đã hiện thực hóa ước mơ sản xuất trà túi lọc đậu đen xanh lòng theo hướng hàng hóa. Chị Phạm Thị Hồng, đại diện hợp tác xã chia sẻ, 3 năm trước chị có ý tưởng phát triển sản phẩm trà đậu đen, tuy nhiên do thiếu vốn nên dự án chỉ dừng lại ở việc chế biến thủ công, quy mô hộ gia đình. Năm 2021, tiếp cận 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Agribank Tuyên Quang, hợp tác xã đã mở rộng sản xuất theo hướng bền vững. Thay vì phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường, hợp tác xã đã liên kết với nhiều hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô 20 ha để trồng 2 vụ/năm; nâng công suất dây chuyền chế biến và mạnh dạn triển khai các chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Chị Hồng phấn khởi cho biết, hoạt động sản xuất của hợp tác xã không những ổn định mà còn phát triển hơn rất nhiều. Hiện nay trung bình mỗi tháng, hợp tác xã sản xuất và bán ra thị trường trên 4.000 hộp trà thành phẩm, tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2019. Doanh thu năm 2021 đạt trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt tháng 12-2021, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Cũng nhờ nguồn vốn Agribank, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) có điều kiện đi vào chế biến sâu để nâng cao giá sản phẩm trâu thịt. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trước đây hợp tác xã liên kết nuôi trâu, bò vỗ béo, bán ra thị trường thịt hơi. Năm 2018, vay được nguồn vốn ưu đãi của Agribank, hợp tác xã đã đầu tư vào chế biến thịt trâu khô. Theo ông Oanh, thịt trâu qua chế biến giá trị tăng lên 15 - 20% so với bán hơi. Mừng nhất là sản phẩm thịt trâu khô Tiến Thành đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, mở ra cơ hội để hợp tác xã chinh phục thị trường trong nước.
Theo ông Dương Tuấn Phương, Phó trưởng Phòng Dịch vụ - Maketing, Agribank Tuyên Quang, dư nợ nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng tính đến hết năm 2021 đã đạt 6.433 tỷ đồng, chiếm 77,8% tổng dư nợ cho vay, trong đó có đầu tư vào phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua kiểm tra, đánh giá các chủ thể sử dụng nguồn vốn hiệu quả, Agribank tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP; các doanh nghiệp có sản phẩm tiềm năng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phấn khởi cho biết, trong 2 năm 2020, 2021, tỉnh đã có 128 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP. Kết quả này ngoài nỗ lực của các chủ thể, địa phương, phải kể đến nguồn lực rất lớn từ phía tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng Agribank trong việc triển khai các gói vay với lãi suất ưu đãi giúp doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm. Ông Nam mong muốn, các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank Tuyên Quang mở rộng gói vay, tạo điều kiện tốt nhất để các chủ thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết