Bảo quản nông sản sau thu hoạch: Sân chơi còn bỏ ngỏ

- Giải bài toán áp lực về tiêu thụ sản lượng hoa quả, nông sản lớn khi chính vụ thì việc đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch là giải pháp căn cơ và bền vững nhất. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, sân chơi này vẫn còn bỏ ngỏ khi không có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư, tham gia.

“Được mùa ngoài đồng, mất mùa trong nhà”

Năm 2015, Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Phúc Sơn (Lâm Bình) được hỗ trợ từ vốn chương trình Tam nông một dây chuyền sấy lạc, công suất 16 tấn/mẻ.

Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, có lò sấy, việc làm ăn của Hợp tác xã thuận lợi hơn khi chất lượng lạc được nâng lên. Sản phẩm không phải bán tươi ngay sau khi thu hoạch để tránh hỏng, mốc, mọc mầm... mà có thể bán “rải” trong cả năm.

Tuy nhiên, dây chuyền này chỉ hoạt động được khoảng 4 năm, đến năm 2019, sau nhiều lần sửa chữa, dây chuyền này đã hỏng hoàn toàn. Hợp tác xã nông lâm nghiệp Phúc Sơn quay trở lại cách thức cũ: Bán lạc tươi ra thị trường! Ngoài xuất sang Trung Quốc, Phúc Sơn cung cấp cho một số tỉnh trong nước như Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình... Tuy nhiên, vì bảo quản theo phương thức truyền thống, nhiều mẻ lạc gặp mưa kéo dài, việc phơi bị gián đoạn, lạc vừa thu hoạch về dễ bị mọc mầm hoặc mốc, hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Năm 2017, Hợp tác xã nông - lâm nghiệp xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng mặt bằng, nhà xưởng, máy móc thiết bị sơ chế, tiêu thụ lạc cho người dân địa phương và vùng lân cận. 4 dây chuyền sấy và sơ chế lạc, với công suất gần 8 tấn lạc khô/mẻ cũng được lắp đặt. Ông Ma Phúc Giải cho biết, sau khi sáp nhập về Lâm Bình, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn đã liên kết với Hợp tác xã nông lâm nghiệp Minh Quang cung cấp nguyên liệu tươi cho Hợp tác xã Thổ Bình để sơ chế, sấy khô, đảm bảo được đầu ra.

Cam sành Hàm Yên là nông sản có sản lượng lớn, nhưng chủ yếu xuất bán ngay sau thu hoạch.

Lạc là một trong số ít sản phẩm nông sản của tỉnh được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch để kéo dài thời gian bán ra thị trường. Đến thời điểm này, rất ít nông sản của tỉnh được bảo quản một cách bài bản, có hệ thống trước khi gia nhập thị trường. Đa phần nông sản của tỉnh được bán “tươi”, ngay sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, việc bán “tươi” nông sản, nhất là đối với những nông sản có sản lượng lớn, thu hoạch rộ trong một thời gian ngắn, là một bài toán khó.

Cam sành là một ví dụ. Mỗi vụ cam, sản lượng trung bình đạt khoảng 80 nghìn tấn. Thời điểm 2019, 2020, một số cá nhân đã đầu tư kho lạnh để bảo quản cam sành sau thu hoạch, để có thể bán rải vụ quanh năm. Chỉ được 1 - 2 vụ, việc bảo quản cam trong các kho lạnh không đem lại hiệu quả như mong muốn do hạn chế của các sản phẩm bảo quản là ngay sau khi ra khỏi kho lạnh, quả lạnh gặp điều kiện không khí thường bị héo quắt nhanh hơn, chất lượng giảm sút. Hiện các nhà vườn bảo quản theo phương thức truyền thống là “treo trên cây”, kéo dài thời gian thu hoạch ra sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên, phương thức này gặp nhiều rủi ro do thời tiết. Đã có nhiều năm, cam sành Hàm Yên rụng sau khi gặp những trận mưa lớn, ảnh hưởng đến thu nhập cả năm của người trồng cam.

Cần đầu tư công nghệ “hậu” thu hoạch

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nông sản, nhất là các loại rau củ quả cần ít nhất 2 - 24 tiếng để vận chuyển đến thị trường ngoại tỉnh; còn đối với xuất khẩu, thời gian bảo quản cần tối thiểu là 15 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian bảo quản thường kéo dài gấp đôi, gấp ba do nhiều sự cố khác nhau như thiếu xe, chậm vận chuyển, thủ tục... Chính vì vậy, các khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển... cần được đầu tư để bảo đảm giá trị nông sản khi đến tay người tiêu dùng, cũng như bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân và HTX.

Để tránh khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư các thiết bị, sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói... là rất cần thiết, vì việc đầu tư cho các công nghệ này cần nguồn vốn rất lớn. Đây cũng là mắt xích quan trọng để tiến tới cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và tăng thu nhập cho nông dân.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, đối với hoạt động chế biến sản phẩm được hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản, còn hỗ trợ kho, thiết bị chứa, bảo quản thóc, ngô chỉ áp dụng cho quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, số lượng tổ chức, cá nhân được tiếp cận nguồn hỗ trợ này tương đối khiêm tốn, và hầu hết chỉ vay vốn để đầu tư máy gặt đập liên hợp chứ chưa có tổ chức, cá nhân nào đầu tư xây dựng nhà kho chế biến, bảo quản nông sản.

Cùng với các chính sách trợ lực từ trung ương, Tuyên Quang cũng ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị quyết 03 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Văn Thuấn, cơ chế đã có nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đầu tư vào mảng này. Về lâu dài, cần thiết phải thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản vào tỉnh, để từng bước tính đến việc tăng số lượng các mặt hàng nông sản qua chế biến trước khi xuất bán ra thị trường, thay vì việc xuất bán tươi như hiện nay.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục