Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo của Hợp tác xã Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Với hơn 3 tỷ đồng vay từ Agribank Tuyên Quang, chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Thức Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã gây dựng được trang trại chăn nuôi bò vỗ béo quy mô lớn. Theo chị Uyên, trước chưa có vốn chị chăn nuôi từ 10 - 20 con/lứa, Agribank tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chị mở rộng chuồng nuôi. Hiện hệ thống chuồng luôn duy trì ở mức 250 con/lứa. Áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, chất thải chăn nuôi chị Oanh nuôi giun quế để làm thức ăn cho lươn. Chị Uyên chia sẻ, có điểm tựa là Agribank, Hợp tác xã Hoàng Thức phát triển bền vững, hiện doanh thu hàng năm đạt gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.
Gia đình bà Đào Thị Kim Oanh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) cũng đang làm giàu từ nguồn vốn của Agribank. Bà Oanh chia sẻ, 10 năm trước gia đình trồng cam sành tuy nhiên theo thời gian cây cam già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015 gia đình chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ, cũng may trong giai đoạn khó khăn, gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank. Có vốn gia đình bà Oanh chuyển đổi mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bà Oanh khoe, hiện nay trang trại thanh long của gia đình có trên 7.000 trụ thanh long, mỗi năm cho thu khoảng 150 - 160 tấn quả, trừ chi phí mỗi năm thu 300 - 400 triệu đồng/năm.
Theo lãnh đạo phòng Tổng hợp Chi nhánh Agribank Tuyên Quang, kinh tế hộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa - thành phần đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, luôn là đối tượng khách hàng chiến lược và được Agribank ưu tiên dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tạo mọi điều kiện mở rộng vay vốn, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Agribank cũng luôn luôn xem trọng và đặt lợi ích của đôi bên.
Tăng cường sức hấp thụ vốn cho khách hàng, Agribank đang triển khai các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ khách hàng như: Nghị quyết số 03/NQ-HĐND tỉnh về cho vay phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định.
Mô hình nuôi lươn của Hợp tác xã Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Cũng theo lãnh đạo Phòng tổng hợp. Agribank Tuyên Quang, mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, song mỗi năm, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank đã có nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2 - 4%/năm so với đầu năm; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank.
Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai các Chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó, Agribank sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, nỗ lực tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho hợp tác xã, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các phân khúc khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực, theo từng địa bàn; chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay; đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với rộng khắp khách hàng, trong đó có doanh nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết