"Choáng" với các sản phẩm từ AI
Trên trang Facebook cá nhân, Đại tá Trần Thế Tuyển, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh chia sẻ một video clip kèm câu chuyện cảm động. Clip mô tả cảnh người chiến sĩ trẻ từ chiến trường trở về trong vòng tay yêu thương của bà mẹ già ở tuổi thượng thượng thọ, kèm lời bình: “Cái ôm mẹ đã chờ đợi gần trọn đời người”. Đại tá Trần Thế Tuyển cho biết, hai nhân vật trong clip là thân mẫu và em trai của ông-liệt sĩ Trần Văn Thiềng, hy sinh ở Mặt trận phía Nam vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, người mẹ già ở quê cùng với các anh em trong gia đình không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ thương người chiến sĩ “mãi mãi tuổi hai mươi”, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Thế rồi, chỉ từ tấm ảnh cũ của liệt sĩ, một bạn trẻ đã ứng dụng công nghệ AI, tạo ra “thước phim” mô tả cuộc trùng phùng xúc động, đượm tình mẫu tử. Hình ảnh trong clip có độ sắc nét, chân thực và sinh động như thật, quan sát bằng mắt thường rất khó nhận ra đây là sản phẩm được tạo ra bởi AI. “Cả nhà tôi xúc động trào nước mắt. Mẹ tôi không tin đây là sản phẩm công nghệ. Bà xem clip mà cứ ngỡ con trai của mình trở về trong mơ”-Đại tá Trần Thế Tuyển cảm thán!
Ảnh minh họa: TTXVN
Một ví dụ khác, trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Myanmar cuối tháng 3-2025, không gian mạng xuất hiện một video clip được người dùng mạng xã hội ở Việt Nam chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Clip diễn tả cảnh một chú chó thông minh đã “phản ứng như thần”, cắn vào cổ áo em bé sơ sinh nhảy phốc ra khỏi đống đổ nát trước khi một mảng bê tông khổng lồ đổ sập xuống. Phía dưới clip, rất nhiều người bình luận, hết lời thán phục chú chó thông minh, đồng thời gửi lời chúc mừng đến gia đình cháu bé vì đã có hồng phúc lớn, thoát khỏi cửa tử trong khoảnh khắc thót tim. Mặc dù một số người am hiểu về công nghệ vào bình luận giải thích, đây chỉ là sản phẩm AI nhưng vì câu chuyện trong clip quá gay cấn và xúc động, hình ảnh ảo được làm y như thật khiến một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội phải mất một thời gian rất lâu sau đó mới nhận thức ra vấn đề...
Xin dẫn vài ví dụ trong hằng hà sa số các sản phẩm AI đã và đang xuất hiện tràn ngập không gian mạng. Cảm giác chung của đại đa số người dùng mạng xã hội là “choáng” với sự phát triển quá nhanh, quá xuất sắc của công nghệ AI. Đại tá, TS Trần Ngọc Anh, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm 286 (Bộ tư lệnh 86) cho biết: Hiện có hàng trăm công nghệ AI được ứng dụng trên không gian mạng. Mức độ ứng dụng các phần mềm AI chúng ta đang phổ cập hiện nay chủ yếu là soạn thảo văn bản, đọc tài liệu, xử lý số liệu... hoặc ứng dụng như một “trợ lý ảo” cho người dùng. Với những người có trình độ, kỹ năng về công nghệ thông tin thì chỉ cần có nguyên liệu là hình ảnh, giọng nói, thông tin của nhân vật là có thể ứng dụng các phầm mềm AI để tạo ra các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là dưới dạng video clip y như thật, chỉ trong vòng... “ba nốt nhạc”. Cũng bởi thế nên thời gian gần đây, những sản phẩm truyền thông, video clip giải trí do AI thực hiện xuất hiện dày đặc trên không gian mạng. Người xem thực sự “choáng” với những “thước phim” mô tả cảnh “nguyên thủ quốc gia” một số nước uống bia hơi, nhậu lòng se điếu... trên vỉa hè Hà Nội, đi nhặt rác trên sông Tô Lịch. Với mặt bằng dân trí về ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay ở Việt Nam, việc phân biệt thật-giả trên ma trận thông tin không gian mạng là vấn đề đầy khó khăn, thách thức...
Cuộc chiến trên không gian mạng
Khi đồ giả được làm như thật, các phần mềm AI đang tạo ra tính hai mặt trên không gian mạng và đời sống xã hội. Bên cạnh những tiện ích tuyệt vời do AI mang lại, điển hình là ứng dụng AI vào giải quyết công việc, cung cấp các sản phẩm giải trí cho môi trường văn hóa-nghệ thuật... AI đã và đang trở thành công cụ đắc lực bị các thế lực thù địch và tội phạm công nghệ cao lợi dụng để thực hiện các hành vi bất minh, chống phá đất nước. Có thể nói, chưa bao giờ tội phạm công nghệ cao hoành hành, gây thiệt hại lớn về tài sản của tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở nước ta như giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố, ở Việt Nam hiện nay, cứ khoảng 220 người dùng điện thoại thông minh thì có một người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Thiệt hại của tổ chức, cá nhân do tội phạm công nghệ cao lừa đảo trong năm 2024 ước tính lên đến 18.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi thực tế còn rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo nhưng không trình báo, cơ quan chức năng không nắm được. Một thực trạng rất đáng lo ngại là đại đa số nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng đều “tiền mất tật mang”. Mặc dù nạn nhân trình báo cơ quan công an nhưng tỷ lệ điều tra, lấy lại tài sản bị lừa đảo cho nạn nhân là vô cùng thấp. Theo một số chuyên gia NCA, tội phạm công nghệ cao đã ứng dụng các thuật toán AI để dụ dỗ, thao túng tâm lý nạn nhân một cách rất tinh vi, khiến không chỉ những người nhẹ dạ cả tin mà ngay cả nhiều người trong giới trí thức, cán bộ, công chức cũng trở thành nạn nhân.
“Báo cáo rủi ro toàn cầu 2024” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp thông tin gây hiểu lầm và tin giả do AI tạo ra là mối đe dọa lớn thứ hai trong số 20 rủi ro toàn cầu lớn nhất năm 2024, xếp sau rủi ro về thời tiết cực đoan. Điều này cho thấy, ma trận tin giả từ AI là thách thức mang tính toàn cầu.
Dẫn vài số liệu của cơ quan chức năng để thấy rõ hơn mức độ nguy hại, nguy hiểm từ mặt trái của AI, đồng thời có cái nhìn tham chiếu trên mặt trận tư tưởng chính trị, văn hóa. Thiệt hại về tiền bạc có thể định lượng bằng số liệu cụ thể và mất tiền có thể kiếm lại được bằng nhiều cách, nhưng sự nguy hại, nguy hiểm khi các thế lực thù địch ứng dụng các phần mềm AI để tấn công phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng bằng “diễn biến hòa bình” thì rất khó để lượng hóa, đong đếm. Những ngày gần đây, thông tin do Trung tâm An ninh mạng quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cung cấp khiến cộng đồng báo chí cả nước quan tâm, lo ngại. Theo đó, A05 đã phát hiện 3 cơ quan báo chí lớn của Việt Nam bị tấn công mạng. Tội phạm công nghệ cao đã tấn công vào hệ thống dữ liệu, đánh cắp thông tin. A05 cảnh báo, nếu những sự việc này không được phát hiện, xử lý kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường...
Việc ứng dụng các phần mềm AI để thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động không chỉ là tạo ra các sản phẩm “lấy giả làm thật” để lừa bịp, dẫn dụ, kích động dư luận, mà chúng còn nhắm đến tấn công mạng các cơ quan quản lý nhà nước, các tờ báo lớn. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, cả trên phương diện kỹ thuật, công nghệ và mặt trận đấu tranh, định hướng tư tưởng, dư luận trên không gian mạng. Phải coi đây là cuộc chiến đấu thực sự và cam go để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...
(còn nữa)
LỮ NGÀN
Gửi phản hồi
In bài viết